Chứng khoán 2013: Cổ phiếu blue-chip tăng giá, lấy lại vị thế

Năm 2013, thị trường đánh dấu sự trở lại của nhóm cổ phiếu blue-chip, góp phần tích cực vào đà tăng trưởng của VN-Index.

Năm 2013, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đánh dấu sự trở lại của dòng cổ phiếu blue-chip, sự phục hồi ngoạn mục của nhóm cổ phiếu này đã tạo hậu thuẫn tích cực cho VN-Index có mức tăng trưởng trên 22% trong năm qua.

Trên sàn giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc ngày 31/12, cổ phiếu FPT đã tăng 400 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 0,9% so với phiên trước đó.

Tính trong năm, FPT đã tăng tổng cộng 11.900 đồng (từ 35.200 đồng/cổ phiếu, tại thời điểm ngày 28/12 lên 47.100 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 33,8%. Mức cao nhất mà FPT đạt được trong năm là 48.100 đồng/CP vào phiên ngày 18/11.

Đáng chú ý, ngày 10/9/2013, việc Quỹ Orchid Capital thuộc tập đoàn đầu tư Chandler Corp bán ra hơn 29 triệu cổ phiếu FPT (hơn 10% cổ phần) đã đưa Chủ tịch Trương Gia Bình trở thành cổ đông lớn nhất của Tập đoàn với tỷ lệ sở hữu 7,1%.

Các cổ đông lớn khác có Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước Việt Nam - SCIC (6%), Red River Holdings (5,7%), nhóm Dragon Capital - Norges Bank (6,3%)…

Mặc dù bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn, lĩnh vực bất động sản duy trì ở trạng thái “im lìm”, song thép Hòa Phát lại có một năm tăng trưởng mạnh. Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), lượng thép xây dựng bán ra của toàn nghành 11 tháng của năm 2013 là 4,2 triệu tấn, chỉ tăng hơn 2% so với cùng kỳ.

Trong đó, sản lượng bán hàng của riêng Hòa Phát là 633 nghìn tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Như vậy, tăng trưởng thị phần thép Hòa Phát trung bình 11 tháng đã cán mốc 15%, cao nhất từ trước tới nay.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG chốt phiên (31/12/2013) tại  mức giá 41.100 đồng/cổ phiếu, tăng 20.100 đồng/cổ phiếu so với phiên (28/12/2012), tương ứng tăng 96%.

Tương tự, cổ phiếu VNM cũng nhảy vọt từ mức giá 88.000 đồng/cổ phiếu (28/12/2012) lên mức 135.000 đồng/cổ phiếu (31/12/2013), tăng tương ứng 53%.

VNM đánh dấu vị thế bằng cách vươn ra thị trường quốc tế, sau khi rót thêm tiền vào nhà máy sản xuất sữa tại New Zealand.

Công ty cho biết, dự kiến sẽ chi 7 triệu USD mua công ty sữa của Mỹ là Driftwood Dairy đồng thời chính thức mở Công ty Angkor Dairy Products Company Limited (Campuchia).

Theo số liệu giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài giao dịch trên thị trường chứng khoán năm 2013, khối ngoại đã mua ròng khoảng 127 triệu USD vào cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng Việt Nam.

Trong đó riêng cổ phiếu Masan được mua ròng gần 900 tỷ đồng, các ngành khác thu hút được vốn ngoại bao gồm ngành nguyên vật liệu (HPG), ngành dầu khí (PVD)…

Theo đó, trên thị trường giá cổ phiếu GMD cũng được nâng bổn từ mức giá 18.100 đồng/cổ phiếu (28/12/2012) lên mức 33.600 đồng/ cổ phiếu (31/12/2013), tăng tương ứng 86%.

Bên cạnh sự hào hứng với các cổ phiếu ngành sản xuất, công nghệ… thì dòng tiền lại rất thận trọng với nhóm blue-chip ngành tài chính.

Cả hai mã VCB và CTG cùng đi ngược xu thế chung với mức giá giảm tương ứng 200 đồng/cổ phiếu và 4.500 đồng/cổ phiếu, chốt tại 26.800 đồng/cổ phiếu và 16.200 đồng/cổ phiếu (31/12/2013).

Mặc dù, theo CTG kết quả kinh doanh của Ngân hàng trong năm 2013, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank ước đạt 7.700 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 13%, tín dụng tăng 11% so với năm 2012.

So với năm trước lợi nhuận năm qua giảm nhưng so với mục tiêu đề ra (7.500 tỷ đồng) thì kết quả vẫn vượt chỉ tiêu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục