Ứng dụng công nghệ lò cao liên động giúp hạ giá thành thép

Việc ứng dụng quy trình công nghệ lò cao liên động hiện đại đã giúp thép Hòa Phát có giá thành cạnh tranh hơn hẳn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát, việc ứng dụng quy trình công nghệ lò cao liên động hiện đại đã giúp thép Hòa Phát có giá thành cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Ông Nguyễn Đức Duyến, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát cho biết, dự án khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại xã Hiệp Sơn, huyện Kim Môn tỉnh Hải Dương có công suất 850.000 tấn/năm được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn I có công suất 350.000 tấn/năm đã chính thức cho ra lò sản phẩm đầu tiên vào cuối năm 2009. Giai đoạn II có công suất khoảng 500.000 tấn/năm cho ra lò sản phẩm đầu tiên vào tháng 10/2013.

Hệ thống nhà máy trong khu liên hợp là 1 dây chuyền đồng bộ khép kín, sản phẩm của nhà máy này là nguyên liệu đầu vào của nhà máy kia.

"Mô hình sản xuất thép khép kín mang lại cho khu liên hợp lợi thế chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào và đặc biệt quan trọng là việc đảm bảo kiểm soát chất lượng được đồng bộ cũng như đưa ra thị trường sản phẩm với giá bán cạnh tranh," ông Duyến nhấn mạnh.

Ứng dụng công nghệ lò cao liên động giúp hạ giá thành thép ảnh 1Dây chuyền sản xuất thép khép kín của Công ty thép Hòa Phát tại tỉnh Hải Dương (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Song song với khu liên hợp kể trên, Hòa Phát còn có một nhà máy sản xuất phôi thép công suất 250.000 tấn/năm và nhà máy cán thép Hòa Phát công suất 300.000 tấn/năm tại Hưng Yên. Đây là một lợi thế lớn giúp Hòa Phát chiếm thị phần thứ 2 cả nước về năng lực sản xuất thép./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục