Chuột Mickey tiếp tục nói ngôn ngữ tình bạn khắp thế giới

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng ca ngợi chú chuột Mickey là đại sứ thiện chí, nhà trung gian hòa bình, nói thứ ngôn ngữ tình bạn trên khắp thế giới.
Chuột Mickey tiếp tục nói ngôn ngữ tình bạn khắp thế giới ảnh 1Chuột Mickey và vịt Donald. (Nguồn: starstills.com)

Một trong những nhân vật hoạt hình được yêu thích nhất trên toàn thế giới là chú chuột Mickey của Hãng phim hoạt hình Walt Disney.

Chú chuột này nổi tiếng đến mức được đưa vào bộ Từ điển bách khoa Larousse với định nghĩa: “Con chuột nhắt được nhân cách hóa, một nhân vật hỗn hợp, không là người mà cũng không phải là thú, nhưng ranh mãnh, năng động và gan dạ.”

Câu chuyện về chú chuột Mickey bắt đầu vào năm 1927, sau thành công sơ khởi với những chú ngựa gầy, chú thỏ Oswald và nhân vật Alicia.

Một lần trên chuyến tàu từ New York đến kinh đô điện ảnh Hollywood, người họa sỹ Walt Disney đã chợt nảy ra ý tưởng xây dựng một nhân vật anh hùng, rồi ông lại nhớ đến “một chú chuột quậy” thường chạy ra chạy vào nơi làm việc trong căn nhà cũ kỹ của mình.

Sau đó, nhờ sự trợ giúp đắc lực của họa sỹ tài hoa Ub Iwerks, vào ngày 18/11/1928, chú Chuột Mickey đầu tiên đã được ra đời và trình làng trong bộ phim ''Stemboat Willie'' (Tàu hơi nước Willie). Đây là phim hoạt hình đầu tiên có nhạc và hiệu ứng âm thanh và ngay lập tức nó tạo nên một cơn chấn địa.

Chuột Mickey là một “anh chàng” không có râu, hai tai tròn và to vểnh lên rất ấn tượng, đôi mắt cũng to tròn, tay mang găng trắng, thân hình nhỏ nhắn gắn liền với cặp giò mảnh khảnh, nhưng bàn chân luôn mang một đôi giầy to tướng, bước ra trình diện trước công chúng với điệu bộ ngộ nghĩnh, hai tay đút túi quần, vừa bước đi vừa huýt sáo một cách hài hước. Chú chuột Mickey mang những tính cách của một con người, đó là sự tự tin nhưng cũng không thiếu khuyết điểm.

Bảy năm sau, năm 1935 chuột Mickey được chính thức “nhuộm màu” với hai gam đen trắng chủ đạo cùng bộ cánh đỏ trong phim hoạt hình ngắn ''The Band Concert.''

Bộ phim đã trở thành một biểu tượng và cột mốc quan trọng trong “cuộc đời” của chuột Mickey cùng các nhân vật khác xuất hiện cùng chú. Và những bản vẽ gốc bằng tay kì công của ''The Band Concert'' là một trong những nguyên mẫu đắt giá nhất trên thị trường khi bán được với giá 420.000 USD vào năm 1999.

''The Band Concert'' tạo nên một khung cảnh cực kỳ vui nhộn hài hước trên nền nhạc tưởng chừng lung tung nhưng thực chất lại rất bài bản và nhuần nhuyễn.

Những tình huống, hành động của các nhân vật hoạt hình đặc biệt là sự “cộng hưởng” của Mickey cùng những người bạn tạo nên một nét đặc sắc mà chỉ riêng Walt Disney mới có.

Chỉ tính riêng thập kỷ 30 của thế kỉ XX, đã có 87 bộ phim về chú chuột Mickey được xuất xưởng, góp phần biến hãng Walt Disney trở thành hãng phim hoạt hình mạnh nhất thế giới.

Dù đã xuất hiện trong nhiều bộ phim ngắn được chiếu rạp, nhưng phải đến ngày 13/11/1940, chuột Mickey mới chính thức “tấn công” màn ảnh rộng bằng bộ phim ''Fantasia.''

''Fantasia'' là bộ phim hoạt hình dài, có màu thứ ba của Disney sau ''Snow White and the Seven Dwarfs''''Pinocchio.''

Chuột Mickey trong bộ phim này trở nên sống động và đáng yêu hơn khi chú được vẽ thêm tròng mắt sinh động. Bằng việc cải thiện hình ảnh Mickey chú chuột danh tiếng đã sở hữu một diện mạo mới sắc nét và màu sắc hơn. Năm 2005, bản vẽ chuột Mickey dùng để dựng phim ''Fantasia'' có giá lên tới 65.000 USD.

Tuy nhiên, đến thập kỷ 50 của thế kỉ XX, chuột Mickey phải cạnh tranh với một nhân vật cũng lý thú không kém chú, đó là vịt Donald. Đây cũng là một sản phẩm của Disney. Chuột Mickey trở lại màn ảnh vào những năm 1980, nhưng không đều và không gây được ấn tượng.

Mặc dù vậy, nhưng Mickey vẫn là nhân vật hoạt hình đầu tiên có mặt trên Đại lộ danh vọng Hollywood. Chú đã có 48 lần được đề cử giải Oscar và bảy lần ở giải Emmy.

Một điều đặc biệt là chính người khai sinh ra chú chuột Mickey - Walter Elias Disney - là người lồng tiếng cho chú trong suốt 13 năm, từ năm 1927-1946.

Sau đó, chuyên gia hiệu ứng âm thanh Jame G.MacDonald đảm nhiệm vai trò này. Từ năm 1983, Wayne Allwine đảm nhận lồng tiếng cho Mickey cho đến khi ông qua đời vào năm 2009.

Trong gần một thế kỷ qua, chú chuột Mickey đã xuất hiện trong 140 bộ phim, truyện tranh và hàng nghìn mặt hàng thương mại như đồng hồ, bút chì, đồ chơi, điện thoại...

Nhân sinh nhật lần thứ 75 của chú chuột Mickey, hãng Walt Disney đã tổ chức một số sự kiện lớn như phát hành bộ tem, làm hai phim mới trong đó có một phim sử dụng công nghệ 3D và dựng 75 bức tượng cao 1,8m tại thế giới Walt Disney ở Florida.

85 năm đã qua, hiện diện trên mọi phương tiện phim ảnh, sách báo chú chuột Mickey cùng với những chuyến phiêu lưu của mình chưa bao giờ làm khán giả thôi thích thú và luôn muốn tận hưởng phút giây thoải mái nhiều tiếng cười cùng nhân vật này.

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng ca ngợi hình ảnh của chú chuột Mickey. Ông ví von: “Mickey là đại sứ thiện chí, nhà trung gian hòa bình, nói thứ ngôn ngữ tình bạn trên khắp thế giới.”

Không chỉ trở thành biểu tượng của làng hoạt hình thế giới, nhân vật chuột Mickey và những thước phim “đắt giá”còn mang về một khoản lợi nhuận khổng lồ cho Walt Disney. Nhưng trên hết là nhân vật này đã và sẽ còn mang lại cho khán giả nhỏ tuổi trên khắp thế giới, trong đó có trẻ em Việt Nam, những giờ phút lý thú, những ký ức đẹp về tuổi thơ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục