Chuyện chưa biết về “Lưỡng quốc tướng quân”

Tướng Nguyễn Sơn là người được cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc cùng phong tướng. Ông được giới lịch sử tôn “Lưỡng quốc tướng quân.”
Nguyễn Sơn (1908–1956) là một trong những người Việt Nam được phong quân hàm tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam đợt đầu tiên vào năm 1948.

Năm 1950, khi ông quay trở lại Trung Quốc -  nơi ông từng nhiều năm tham gia Hồng quân Trung Quốc (từ năm 1928), giữ chức Phó Cục trưởng Cục điều lệnh Tổng giám bộ huấn luyện Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Được xem là một trong 72 đại công thần Trung Quốc, ngay trong đợt phong quân hàm đầu vào ngày 27 tháng 9 năm 1955, ông được nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phong quân hàm Thiếu tướng và tặng Huân chương Giải phóng hạng nhất.

Tướng Nguyễn Sơn là người Việt Nam duy nhất được phong quân hàm tướng của hai quốc gia, và đều ngay trong đợt phong quân hàm đầu tiên, nên đã được gọi là Lưỡng quốc tướng quân.

Cuộc đời của tướng Nguyễn Sơn là một bài ca chí khí cách mạng vô cùng đẹp đẽ của một con người hết lòng vì lý tưởng, yêu nước, yêu nhân dân, đã từng được khắc họa trong cuốn sách Tướng Nguyễn Sơn, do Nhà xuất Bản Thông tấn ấn hành năm 2008.

Tuy nhiên, vẫn còn có những điều chưa được biết đến ở vị Lưỡng quốc tướng quân này, những điều thật bình dị, mà may mắn, phóng viên Vietnam+ đã được tiếp cận thông qua người con gái của ông, trung tá Nguyễn Thanh Hà.

“Đúc lại khối chung tình”

Gặp chị trong một buổi chiều đông Hà Nội, nghe chị kể những câu chuyện thật tự nhiên, đầy nhiệt thành về người cha kính yêu, mới thấy rõ người phụ nữ giàu nội lực này sống bằng tình yêu cha. Một tình yêu thật kỳ lạ vì ngày càng cháy sáng, ngày càng ấm áp. Chị bảo: “Lạ lắm, như bố tôi ở trên trời cũng hiểu vậy.”

Chị không giấu được tự hào khi nói rằng chị là đứa con may mắn trong 8 người con của tướng Nguyễn Sơn, vì được sống cùng cha nhiều nhất. Cho dù khi cha qua đời, chị mới 7 tuổi. Nghĩ về người cha, giờ đây chị luôn thấy tự hào và nuối tiếc.

“Bé bé Hà xinh xinh/ Đúc lại khối chung tình/ Hình bé hồn hạnh phúc/ Tình bé vòm trời xanh...” mắt chị Hà sáng lấp lánh khi chia sẻ bài thơ mà tướng Nguyễn Sơn đã viết ngày chị chào đời.

Chị nói, bài này bố tôi đã đọc nhiều lần cho các chú bộ đội ở cùng ông tại Liên khu bộ (Liên khu 4) nghe. Mới đây, chị gặp lại cậu Vinh (sinh năm 1971) là cháu đích tôn của một người đã biếu tướng Nguyễn Sơn một con ngựa hơn nửa thế kỷ trước, Vinh đã đọc lại bài thơ và bảo “Bố cháu đã đọc cho cháu nghe nhiều lần bài thơ của bố cô viết mừng cô chào đời, nên cháu thuộc!”

Về người biếu ngựa, chị Hà kể: “Vừa hồi tháng 10 đây thôi. Tôi được biết thông tin về một người ở Thanh Hóa đã biếu cha mình hai con ngựa từ năm 1947 - 1948 để tướng Nguyễn Sơn cưỡi đi công tác. Vì như nhiều người đã biết, bố tôi rất quý ngựa và cưỡi ngựa giỏi.

“Lần đầu tiên tôi được nghe nói rõ về con ngựa ô được biếu trước, có thể phi nhanh nhưng sau con ngựa này bị chết, người có tấm lòng vì cách mạng và rất kính trọng bố tôi ấy, lại tặng một con ngựa bạch.

Con ngựa bạch tuy không phi nhanh được nhưng dai sức. Bố tôi cho chị Giáng Hương (Cố chủ tịch Hội Mỹ Thuật Việt Nam) mượn đi công tác, không may đi qua cầu tre, ngựa bị thụt chân xuống khe cầu nên bị thương. Bố tôi đã thương con ngựa đó lắm. Đó cũng là con ngựa sau cùng, về sau, bố tôi được tặng một chiếc xe đạp để tiếp tục hành trình công việc.”

Không gì khổ bằng nhớ tiếng Việt

Trao đổi cùng phóng viên Vietnam+, chị nói: Trước đó, bố tôi đã có thời kỳ sống và hoạt động ở Trung Quốc rất lâu trong đói khổ, nhưng không gì khổ bằng nhớ tiếng Việt, không có ai cùng nói tiếng Việt.

Trong những trang tâm sự của mình, chị Hà đã ghi lại nhiều kỷ niệm ấu thơ như: “Năm 1950, vào cuối năm tôi cùng mẹ và em Cương sang Trung quốc với bố Sơn. Năm 1953, tại Nam Kinh mẹ tôi sinh em Nguyễn Việt Hồng.

Năm 1954 bố tôi học xong khóa một của học viện Quân sự Nam Kinh về Bắc Kinh nhận nhiệm vụ mới. Đầu năm 1955, gia đình tôi có thêm cô em út Việt Hằng ra đời ở Bắc Kinh. Khi ấy, mới 6 tuổi, tôi đã là chị gái của ba đứa em. Và vai trò “chị cả phải ngoan” như bố mẹ vẫn nói như nặng thêm.

Chị kể, mặc dù ở Trung Quốc nhưng bố mẹ luôn dạy bọn tôi nói tiếng Việt, trong nhà chỉ được nói tiếng Việt, bố sợ bọn mình quên tiếng Việt Nam. Bố mẹ thường xuyên đưa mình và em Cương đến sứ quán Việt nam, đến các trường Đại học có các anh Vũ Tuyên Hoàng, Vũ Huyền Giao con bác Phan, anh Phan Diễn con bác Lê Thị Xuyến... để nói tiếng Việt.
Với ông, tiếng Việt là máu thịt, “Truyện Kiều” và sân khấu truyền thống như Chèo là tài sản vô giá với mọi thời. “Ông thuộc Truyện Kiều” từng chữ, từng câu và luôn tự đọc cho không quên tiếng mẹ đẻ cũng như ông luôn có ý thức bảo vệ và tuyên truyền về những vốn quý đó ở mọi nơi."/.

Bài 2: Những kỷ niệm của tướng Sơn với tướng Giáp
 
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục