Chuyến công du Trung Đông 'xôi hỏng bỏng không' của Pompeo và Bolton

Tuần qua, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã có những chuyến thăm riêng lẻ tới Trung Đông, tuy nhiên, có vẻ như cả Bolton và Pompeo đều không thành công.
Chuyến công du Trung Đông 'xôi hỏng bỏng không' của Pompeo và Bolton ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo Washington Post (Bưu điện Washington) ngày 15/1, tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã có những chuyến thăm riêng lẻ tới Trung Đông.

Họ đặt mục tiêu thuyết phục các đồng minh của Mỹ tin tưởng vào cam kết của Chính quyền Mỹ đối với an ninh và lợi ích của đồng minh cho dù Tổng thống Donald Trump có phát ngôn thế nào đi chăng nữa và cho dù Mỹ vẫn rút quân khỏi Syria. Tuy nhiên, có vẻ như cả Bolton và Pompeo đều không thành công.

Bolton dừng chân tại Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Pompeo thực hiện chuyến công du kéo dài 8 ngày tới một số quốc gia Arập trước khi rời Oman về Mỹ.

Đáng chú ý, trong chặng dừng chân tại Cairo ngày 10/1, Pompeo đã có một bài phát biểu gây tranh cãi, theo đó chỉ trích những việc làm của chính quyền Barack Obama tiền nhiệm và đe dọa Iran, trong khi lại thể hiện sự ủng hộ đối với các nhà lãnh đạo “độc tài” như Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi hay Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman - người mà CIA cho rằng đã ra lệnh giết hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Một số ý kiến đã chỉ trích bài phát biểu của Pompeo là "nhỏ nhen, ngu ngốc" và cho rằng việc ông chỉ trích cựu Tổng thống Obama là "không bình thường", không phải là cách mà các nhà ngoại giao nên làm.

Cả Pompeo và Bolton đều hy vọng có thể xoa dịu quan ngại của các nước đồng minh như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Jordan... về tuyên bố rút quân “ngay lập tức” khỏi Syria của Trump vào tháng trước.

Cả hai quan chức cấp cao này đều ủng hộ quan điểm nhìn nhận cuộc chiến của Mỹ tại Trung Đông như là một phần trong cuộc chiến giữa cái thiện với cái ác và "đó là một cuộc chiến không bao giờ kết thúc."

Trong khi đó, Trump không hứng thú với việc tiếp tục sa lầy vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong khu vực nên sốt sắng rút lực lượng Mỹ ra khỏi các cuộc chiến ở Syria, Afghanistan bất chấp sự phản đối từ các cố vấn cấp cao có quan điểm diều hâu tại Washington.


[Ngoại trưởng Mỹ công du 8 nước Trung Đông củng cố quan hệ đồng minh]

Tại Israel, Bolton tuyên bố Mỹ sẽ không rời khỏi Syria quá sớm, trừ khi Mỹ có thể đảm bảo an toàn cho người Kurd - lực lượng nhận sự ủy nhiệm của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó chịu. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phản đối việc Bolton ủng hộ các nhóm dân quân người Kurd (có tên gọi “các đơn vị bảo vệ nhân dân” - YPG) mà Ankara coi là một nhánh của tổ chức khủng bố “đảng Lao động người Kurd” (PKK) trong lãnh thổ của họ.

Bolton muốn Thổ Nhĩ Kỳ cam kết đảm bảo an ninh cho lực lượng người Kurd đang “kề vai sát cánh” với Mỹ chống IS, nhưng ông lại gây căng thẳng bởi cách dùng ngôn từ không chính xác khi đề cập đến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Theo 3 quan chức Mỹ giấu tên có liên quan tới các cuộc đàm phán tại Ankara, bài phát biểu của Bolton ngay lập tức gây cản trở cho cuộc đàm phán giữa các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ với đặc phái viên Mỹ phụ trách liên minh chống IS James Jeffrey - nhân vật đã rất tức giận vì sai lầm của Bolton. Khi Bolton đến Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan đã từ chối gặp ông, và giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã chế giễu điều đó.

Việc Mỹ rút quân khỏi Syria cần phải nhận được sự thấu hiểu toàn diện từ quốc gia láng giềng phía Bắc của Syria, nhưng dường như Mỹ chưa làm được điều này. Căng thẳng tiếp tục gia tăng sau khi Trump đăng trên Twitter hàng loạt lời đe dọa "phá hủy" nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara tấn công người Kurd.

Sau đó, Pompeo phải cố gắng biện minh cho những bình luận của Trump.

Mặc dù, ngày 14/1 Trump đã cố gắng xoa dịu tình hình khi khẳng định ông có một cuộc điện đàm thành công với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, song có vẻ như các mối bất hòa giữa 2 bên vẫn chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, một điểm tích cực là các nhà ngoại giao Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang thương lượng về thỏa thuận thiết lập “vùng an toàn” tại khu vực phía Bắc Syria.

Chuyên gia Soner Cagaptay thuộc Viện Washington về Chính sách Cận Đông cho biết thỏa thuận này dựa trên nguyên tắc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng được Ankara ủng hộ sẽ kiểm soát các vùng nông thôn trong “vùng an toàn,” trong khi lực lượng YPG vẫn nắm giữ các thành phố có đông người Kurd đang sinh sống.

Chuyên gia Cagaptay nói: “Thỏa thuận này có thể được tất cả các bên chấp nhận nếu Mỹ ủng hộ.”

Một quan chức hiểu về quan điểm của Trump đối với cuộc chiến tại Syria cho rằng "quyết định rút quân không phải tự nhiên xuất hiện. Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ dựa trên cam kết rút quân.

Bạn có thể nói đây là quyết định tồi tệ, rằng rút quân không giúp ổn định tình hình, nhưng bạn không thể nói rằng bạn ngạc nhiên vì Trump muốn làm vậy"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục