Chính quyền Tổng thống Trump thật sự bối rối trong chính sách Syria?

Tổng thống Donald Trump nói rằng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị đánh bại; nhưng các quan chức của ông thừa nhận rằng IS hiện chưa bị đánh bại hoàn toàn.
Chính quyền Tổng thống Trump thật sự bối rối trong chính sách Syria? ảnh 1Đoàn xe quân sự Mỹ tại làng Yalanli, ngoại ô phía Tây thành phố Manbij, miền Bắc Syria ngày 5/3/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Reuters đưa tin Chính quyền Trump bắt đầu điều chỉnh tuyên bố rút quân khỏi Syria.

Ngày 19/12, Tổng thống Trump nói rằng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị đánh bại; nhưng các quan chức của ông thừa nhận rằng IS hiện chưa bị đánh bại hoàn toàn.

Ông Trump ban đầu ra lệnh rút quân trong vòng 30 ngày, khi đó các quan chức chính quyền nói việc rút quân sẽ phải mất 4 tháng, và gần đây hơn họ thông báo rằng việc rút quân không ấn định thời gian cụ thể.

Kế hoạch Mỹ rút quân khỏi Syria ban đầu là vô điều kiện, nhưng việc này hiện nay rõ ràng là có điều kiện với sự bảo đảm từ Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc đối xử với người Kurd Syria của nước này.

Yêu cầu của Mỹ chính là nguyên nhân dẫn đến việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tỏ ra lạnh nhạt với Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton trong chuyến thăm của ông đến Ankara hôm 8/1 vừa qua.

[Quan chức phe nổi dậy: Ít khả năng Mỹ bỏ căn cứ quân sự ở Bắc Syria]

Bất chấp căng thẳng với Ankara, diễn biến tình hình đang đi đúng hướng của nó với việc thừa nhận rằng chiến dịch chống IS chưa kết thúc hoàn toàn và rằng Mỹ phải có trách nhiệm đối với các đối tác chính trong cuộc chiến này, đặc biệt là lực lượng người Kurd ở Syria.

Sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ cũng là bằng chứng cho thấy một sự lộn xộn nghiêm trọng trong chính quyền Mỹ, khi các quan chức ở tất cả các cấp đau đầu với những chỉ thị và chính sách không rõ ràng của ông Trump.

Sự bối rối trong chính sách Syria của Mỹ diễn ra trước khi Tổng thống Trump thông báo quyết định rút quân.

Ông Trump nói rằng ông trước đó cho phép Lầu Năm Góc đưa ra thời hạn chót cho việc rút quân và từ chối kéo dài việc rút quân.

Tuy nhiên trong những tuần trước khi Tổng thống đưa ra thông báo rút quân, ông Bolton và đặc phái viên hàng đầu về Syria, James Jeffrey, đã công khai nói rằng các lực lượng Mỹ vẫn sẽ có mặt ở Syria chừng nào các lực lượng Iran và thân Iran còn ở đó.

Vì thế, Tổng thống Trump đã không thể đưa ra những chỉ thị rõ ràng và các cố vấn hàng đầu của ông cũng không thể thực hiện chỉ đạo của ông một cách đúng đắn.

Trước khi thông báo rút quân, trong cuộc điện đàm ngày 14/12, ông Trump và Erdogan đã nhất trí rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiến đấu chống lại những tàn dư của IS ở Syria.

Nếu nhìn vào bản đồ thì có thể thấy điều này quan trọng như thế nào. IS đang chống cự và cố thủ trong các hốc đá ở biên giới Iraq, không phải ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và hàng nghìn tay súng người Kurd đang chiếm giữ vùng lãnh thổ ở giữa.

Vị trí địa lý này rõ ràng cho thấy bất kỳ chiến dịch chống IS nào trong tương lai ở thung lũng Euphrates River sẽ đều phải được tiến hành bởi người Kurd, hay chế độ Damascus hay các đồng minh Nga và Iran.

Người Kurd có thể tham gia cuộc chiến chống IS chỉ khi họ không bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công và họ tiếp tục nhận được trang thiết bị và hỗ trợ không quân từ Mỹ, mà có thể bao gồm cả một vài lính trinh sát trên chiến trường.

Việc chính phủ Syria chiếm đóng khu vực này sẽ là điều không mong muốn, nhưng còn tốt hơn là rơi vào tay IS.

Thái độ của Washington đối với chế độ Damascus cũng cần phải xem xét. Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một tội phạm chiến tranh, Mỹ trước đó cũng đã nói như vậy về các nhà lãnh đạo khác, chẳng hạn như Slobodan Milosevic ở Serbia và Muammar Gaddafi ở Libya.

Iran sẽ không bao giờ rời khỏi Syria, nhưng sự hiện diện của nước này sẽ giảm xuống khi cuộc nội chiến kết thúc.

Chiến tranh qua đi và triển vọng hỗ trợ tái thiết quốc tế có thể là những phương tiện tốt nhất để giảm ảnh hưởng của Iran.

Các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ đang hòa giải với Assad để cạnh tranh ảnh hưởng với Iran ở đó.

Các chính phủ châu Âu cũng đang đứng ngồi không yên trước những thay đổi trong chính sách của Mỹ, có thể họ không còn đi theo sự lãnh đạo của Mỹ.

Chiến lược của Washington dưới thời ông Obama cũng như ông Trump đều “áp giá” cho chính quyền Damascus bằng cách tẩy chay ngoại giao và trừng phạt kinh tế.

Biện pháp tiếp cận trừng phạt này có thể đem lại sự thỏa mãn và có lợi về mặt chính trị, nhưng một thực tế là nó sẽ khiến cho cuộc xung đột kéo dài không biết bao giờ mới kết thúc và nó sẽ chỉ củng cố sự phụ thuộc của Assad vào Iran mà thôi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục