Việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang từng bước mang lại những kết quả tích phần, góp phần thay đổi lớn trong phương thức sản xuất-kinh doanh của các ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực sản xuất công nghiệp, mô hình phát triển các khu công nghiệp.
Con đường phải chọn
Được khởi công từ năm 2008, Nam Cầu Kiền, Hải Phòng được xây dựng với định hướng phát triển và thu hút đầu tư theo mô hình khu công nghiệp tổng hợp, phát triển trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu Việt Nam. Nhưng theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội hội đồng quản trị Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Nam Cầu Kiền, việc thành lập khu công nghiệp tổng hợp không còn phù hợp với xu hướng phát triển. Theo đó, Shinec đã định hướng rõ con đường đi và mục tiêu xây dựng khu công nghiệp xanh, định dạng phát triển hạ tầng bền vững.
“Nghị định số 82/2018/NĐ-CP điều chỉnh hành lang pháp lý trong đó có định dạng xây dựng mô hình sinh thái với 8 tiêu chuẩn theo kinh nghiệm quốc tế ra đời là hành lang pháp lý tạo cơ sở nền tảng để Nam Cầu Kiền chuyển mình thực hiện ‘ước mơ’ xanh trong phát triển hạ tầng khu công nghiệp," ông Điệp nói.
Chuyển đổi khu công nghiệp theo hướng bền vững là xu hướng tất yếu
Nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng xác định việc phát triển khu công nghiệp theo mô hình sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.
Theo báo cáo Phát triển bền vững (ESG) do Công ty Kiểm toán Pwc thực hiện tháng 4/2024, Shinec đã có những kết quả nổi bật của trong việc xây dựng Nam Cầu Kiền theo mô hình sinh thái. Hiện, khu công nghiệp có hơn 1 triệu cây xanh và chiếm đến 33% tổng diện tích đất. Trong đó, hệ thống quan trắc nguồn thải tự động và liên tục truyền dẫn thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng (24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần). Dự án điện mặt trời áp mái 81,4 kWh được vận hành và nhà máy xử lý nước đảm bảo 25% lượng nước thải trong khu công nghiệp được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường và tiết kiệm được 6 tỷ đồng chi phí mua nước sạch mỗi năm.
Ông Phạm Hồng Điệp cho biết năm 2024, Shinec đã hợp tác với Tập đoàn NX filtration nghiên cứu triển khai dự án tái sử dụng nước thải công nghiệp (bằng công nghệ màng lọc Nano sợi rỗng) cho mục đích sản xuất trong khu công nghiệp.
“Đây là hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu hoàn thiện hệ thống tuần hoàn nước thải của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, hướng đến việc ‘zero’ phát thải vào năm 2030,” ông Điệp nói.
Bên cạnh đó, ông Phạm Hồng Điệp cho biết Nam Cầu Kiền hình thành 3 chuỗi cộng sinh công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn (ngành luyện kim-cơ khí, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, phụ trợ điện-điện tử) và mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã đóng góp ngân sách Nhà nước trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Đón “sóng” đầu tư xanh
Trong bối cảnh, xu hướng phát triển xanh diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings cho biết năm 2018, tập đoàn đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh mảng bất động sản công nghiệp (hai dự án đang được triển khai là khu công nghiệp An Phát Complex và An Phát 1, Hải Dương), theo mô hình phát khu công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
“Đây không chỉ là yếu tố giúp các khu công nghiệp của An Phát Holdings thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ‘xanh’ đang đổ mạnh về Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về ‘0’ vào năm 2050,” ông Tuấn nói.
Việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (Môi trường-Xã hội-Quản trị) trong quản lý và phát triển khu công nghiệp ở thời điểm đó, ông Phạm Văn Tuấn cho biết đây là quyết định khá táo bạo và có phần mạo hiểm. Bởi, ESG hiện vẫn còn là một bộ tiêu chí mới mẻ, chưa phổ biến và yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Để thực hành ESG một cách đúng đắn, ban lãnh đạo cần có quyết tâm rất lớn cùng với một chiến lược toàn diện và bài bản.
“Song, nhờ những bước đi táo bạo và bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, đặc biệt là chủ động thực hiện bộ tiêu chí ESG, An Phát Complex và Khu công nghiệp An Phát 1 đã trở thành một trong những ‘con át chủ bài’ thu hút vốn đầu tư tại tỉnh Hải Dương đồng thời trở thành hình mẫu về khu công nghiệp có chất lượng cao về cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư và phát triển bền vững, từ đó tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương,” ông Tuấn nói.
Với tư cách là nhà đầu trực tiếp nước ngoài, ông Bruno Jaspaert, Giám đốc Điều hành Khu công nghiệp Deep C, cho biết đã bắt đầu vào Việt Nam cách đây 6 năm (trong đó có hai 2 năm dịch COVID-19 - không có doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư), nhưng Deep C ghi nhận tốc độ tăng trưởng gấp 5 lần. Doanh nghiệp thu hút đầu tư lớn không dựa trên yếu tố cho thuê đất với giá rẻ, mà ngược lại mức giá cho thuê gần như cao nhất thị trường.
“Vậy tại sao chúng tôi tăng trưởng nhanh như vậy? Có thể nói đến bây giờ, Việt Nam vẫn chưa có khu công nghiệp sinh thái được đánh giá theo tiêu chí, mà chỉ là các khu công nghiệp tiên phong tham gia chương trình khu công nghiệp sinh thái. Các nguyên tắc phát triển đều theo hướng đảm bảo cung cấp cho các nhà đầu tư khả năng tiếp cận các dịch vụ liên quan đến ESG, đến chứng chỉ carbon và các sáng kiến, để họ có thể báo cáo với cấp quản lý rằng hoạt động đầu tư có hiệu quả không chỉ về lợi nhuận mà cả việc thực hiện trách nhiệm xã hội,” ông Bruno Jaspaert nhấn mạnh.
Ông Bruno Jaspaert cho biết các doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu hoạt động sản xuất, kinh doanh đều phải theo một chuẩn báo cáo ESG mới (năm 2024). Các doanh nghiệp này không có sự lựa chọn mà buộc phải thực hiện. Ngay cả việc, họ mua các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam cũng phải chứng minh quá trình sản xuất ra sản phẩm và đơn vị sản xuất có quan tâm đến con người, có nội địa hóa nguyên liệu đầu vào.
Do đó, DEEP C có rất nhiều phần công việc chuẩn bị sẵn cho nhà đầu tư để có thể đưa các nội dung vào báo cáo. Cụ thể là triển khai các sáng kiến phát triển bền vững. Theo ông Bruno Jaspaert, các nhà đầu tư có thể hoàn toàn tập trung vào công việc sản xuất và xem xét tham gia vào các sáng kiến của DEEP C.
Nhấn mạnh những yếu tố lợi ích trong phát triển khu công nghiệp sinh thái, ông Bùi Ngọc Hải, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết trong quá trình triển khai và đánh giá, Khu công nghiệp Deep C có 19 doanh nghiệp tham gia với một số giải pháp tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên… sơ bộ tiết kiệm được trên 41 tỷ đồng mỗi năm. Với những lợi ích rất rõ ràng, niềm tin của nhà đầu tư, lãnh đạo các cấp của thành phố được củng cố và đặc biệt sự đồng thuận của nhân dân.
“Hướng đi cho sinh thái là một quyết định đúng đắn. Bây giờ, vấn đề là chỉ tập trung các nguồn lực để tăng tốc và xây dựng một lợi thế cạnh tranh mới cho thành phố Hải Phòng. Khi đã thấm nhuần, các nguồn lực này sẽ trở thành khoản đầu tư cho lợi thế cạnh tranh và đầu tư cho phát triển bền vững,” ông Hải nói./.