Chuyển đổi rừng nghèo: Cái cớ “xẻ thịt” rừng giàu

Lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao sau, góp phần phát triển kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã “xẻ thịt” rừng giàu.
Để góp phần phát triển kinh tế, tránh lãng phí tài nguyên đất rừng theo chủ trương của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã chuyển đổi hàng nghìn hécta rừng nghèo để trồng cây cao su. Lợi dụng việc này, nhiều doanh nghiệp không chuyển đổi rừng nghèo mà tập trung vào “xẻ thịt” rừng giàu. Để rồi không ít cánh rừng tự nhiên xanh tốt nằm trên địa bàn hai xã Lộc Bảo và Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm đã phải nhường chỗ cho những dự án mới. Chênh vênh quyền lợi Theo báo cáo nghiên cứu của Viện Tư vấn phát triển (CODE), xã Lộc Bảo là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp rất lớn, chiếm 91% diện tích đất tự nhiên của xã. Tuy nhiên, hầu hết diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn lại thuộc quyền quản lý của Công ty Lộc Bắc. Thống kê của Ủy ban nhân dân xã Lộc Bảo cho thấy, dân số toàn xã là 826 hộ, gần 3.400 người. Trong đó người dân tộc Châu Mạ chiếm 61%, còn lại là các dân tộc khác như Kinh, H’Mông, Dao, Tày, Nùng. Đến nay, sinh kế của phần lớn các hộ dân ở địa phương này đã chuyển đổi từ sản xuất tự cung tự cấp sang trồng cây công nghiệp hàng hóa như: Càphê, điều, chè… nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Được biết, khu vực sinh sống của cộng đồng dân tộc Châu Mạ tại xã Lộc Bảo từng là căn cứ cách mạng từ thời kháng chiến. Do đó, đồng bào ở đây luôn có ý thức chấp hành pháp luật và rất ít xảy ra xâm lấn đất rừng do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do thiếu đất canh tác trầm trọng, trong khi nhu cầu “thoát nghèo” tăng cao, nên nhiều hộ dân đã quay lại canh tác trên diện tích đất rẫy cũ của mình (nay giao cho Công ty Lộc Bắc quản lý, hoặc đã được chuyển cho các công ty cao su, bao gồm Công ty cao su Bảo lâm, thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai) đã khiến địa phương này trở thành điểm nóng về mâu thuẫn đất đai.
Chuyển đổi rừng nghèo: Cái cớ “xẻ thịt” rừng giàu ảnh 1
Mâu thuẫn càng tăng lên, đặc biệt là từ khi Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng quyết định giao 5.000 ha đất rừng tự nhiên, được cắt từ Công ty Lộc Bắc để giao cho các công ty cao su khai thác. Trong khi đó, vì thiếu đất sản xuất, không ít hộ dân đã nhiều lần trình đơn kiến nghị với chính quyền cấp đất sản xuất, để đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, kiến nghị của người dân đã không được các cấp chính quyền chấp thuận với lý do: Diện tích này có rừng giàu (rừng có hàng ngàn cây gỗ quý, đường kính rất lớn) và thuộc đất di tích cách mạng. Trong bối cảnh như vậy, nhiều hộ dân sinh sống lâu năm trên địa bàn đã lấn chiếm diện tích đất của các công ty cao su, để duy trì sinh kế và thoát nghèo. Thừa nhận thực tế này, ông K’Lý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lộc Bảo và bà K’Rong, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết hiện địa phương có hơn 200 hộ nghèo (chiếm ¼ tổng số hộ trong xã) đang thiếu đất canh tác. Cũng vì thiếu đất, nên người dân buộc lòng phải lấn chiếm đất đai của các công ty cao su. Bày tỏ chính kiến trước thực tế trên, bà K’Rong cho rằng chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cây cao là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, nếu phần đất được xem là đất di tích cách mạng-nơi có rừng giàu đang “bị” các công ty khai thác mà giao cho dân quản lý theo cơ chế chi trả phí dịch vụ môi trường thì rừng vẫn còn, cuộc sống của các hộ nghèo sẽ dần được cải thiện. “Xẻ thịt”… rừng giàu Ông K’Ba, Trưởng thôn 3, xã Lộc Bảo (thôn có hơn 80% hộ dân thiếu đất sản xuất) cho rằng, phá rừng trồng cây cao su thì lợi ích đem lại cho chính công ty tư nhân, chứ không phải cộng đồng, trong khi xã đang có hơn 200 hộ nghèo vì thiếu đất canh tác. Ở góc độ đơn vị nghiên cứu chính sách, Viện Tư vấn phát triển cũng nhận định, chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su đồng nghĩa với việc chặt bỏ toàn bộ cây rừng trên đất. Điều đáng nói, phần đất rừng mà tỉnh Lâm Đồng giao cho 19 công ty cao su khai thác, chuyển đổi trồng cây cao su không đơn thuần là rừng nghèo kiệt, mà có cả rừng giàu, đất cách mạng. Về thực tế trên, nhiều hộ dân và ngay cả lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Lộc Bảo cho rằng việc tàn phá rừng của các công ty cao su là hành động khổng thể chấp nhận. Một câu hỏi đặt ra là công ty phá rừng để làm giàu được, tại sao Nhà nước lại không giao cho người dân bảo vệ, trong khi đến nay, một số công ty được cấp đất trồng cao su cũng mới chỉ dừng lại ở việc khai thác gỗ?. Do vậy, người dân xã Lộc Bảo khẳng định chuyển đổi rừng nghèo kiệt trên địa bàn sang trồng cây cao su đối với các công ty cao su chỉ là cái cớ để “xẻ thịt” rừng giàu. Thậm chí, vị Trưởng thôn 3 cũng lo ngại rằng công ty cao su sẽ bán đất cho người khác khi cánh rừng bạt ngàn gỗ chỉ còn trơ gốc.
Chuyển đổi rừng nghèo: Cái cớ “xẻ thịt” rừng giàu ảnh 2

Chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su ở tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Để nắm bắt thực tế, phóng viên Vietnam+ đã có mặt tại khu rừng già nằm đối diện với Ủy ban nhân dân xã Lộc Bảo đã và đang được các công ty cao su ra sức “xẻ thịt.” Tại hiện trường, những gốc cây bị đốt thành than, hàng trăm ngàn khúc gỗ lớn được bày la liệt dọc hai bên đường. Ở xa giữa cánh rừng, cả khu vực heo hút bấy lâu, nay cũng đã trở thành một “đại công trường” khai thác kiểu “chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su” theo dự án? Trên con đường liên huyện nằm ngay chính giữa khu rừng “nghèo kiệt,” hàng chục chiếc xe tải chất đầy gỗ tấp nập vào ra. Xung quanh đó, những túp nhà tạm bợ dựng lên ven đường cũng chỉ để phục vụ cơm, nước cho đội ngũ đốn hạ cây rừng. Ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển cho rằng phát triển cây cao su mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp cũng là góp phần vào sự phát triển của các địa phương và đất nước. Song không thể vì thế mà đánh đổi bằng mọi giá, để lại hệ lụy về sau. “Do đó, tỉnh Lâm Đồng cần nhìn nhận lại hiệu quả và tác động của các dự án chuyển đổi rừng nghèo trồng cây cao su để kịp thời điều chỉnh, tìm hướng đi bền vững và phù hợp với thực tiễn địa phương,” vị đại diện Viện tư vấn phát triển kiến nghị./. Qúa trình sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh đã chuyển sang dạng thức Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này bản chất vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ” đã khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong quản lý đất và thua lỗ kéo dài từ việc sản xuất rừng. Trong khi đó, hầu hết các hộ dân sử dụng phần đất chưa rõ ràng nguồn gốc lại khát khao có tấm sổ đỏ để yên tâm sản xuất. Mời độc giả đón đọc bài 4- Vướng mắc đất rừng: Công ty ôm nợ, dân mơ sổ đỏ
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục