Chuyên gia Anh kêu gọi bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương nhất

Giáo sư Andrew Pollard cho rằng trong tương lai cần tập trung tiêm mũi tăng cường cho những người dễ mắc COVID-19, thay vì tiêm cho tất cả những người trên 12 tuổi.
Chuyên gia Anh kêu gọi bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương nhất ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại London, Anh ngày 25/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/1, Chủ tịch Ủy ban hỗn hợp về tiêm phòng và miễn dịch Anh (JVCI), Giáo sư Andrew Pollard cho rằng không nên tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho đến khi có thêm bằng chứng về hiệu quả, đồng thời cảnh báo rằng việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân 6 tháng/lần không phải là giải pháp bền vững.

Trả lời phỏng vấn của báo Telegraph, Giáo sư Pollard cho rằng trong tương lai cần tập trung tiêm mũi tăng cường cho những người dễ mắc COVID-19, thay vì tiêm cho tất cả những người trên 12 tuổi.

Theo ông, việc cố gắng ngăn chặn tuyệt đối tình trạng lây nhiễm là vô nghĩa vì đến một lúc nào đó xã hội phải mở cửa trở lại. Khi mở cửa, sẽ có giai đoạn số ca nhiễm tăng mạnh, vì vậy có lẽ mùa Đông không phải là thời điểm tốt nhất để mở cửa trở lại. Giáo sư

Pollard khẳng định: "Tình trạng tồi tệ nhất đã ở phía sau chúng ta. Chúng ta chỉ cần vượt qua mùa Đông này."

Tuy nhiên, ông nêu rõ điều này còn phụ thuộc vào các nhà hoạch định chính sách, chứ không phải các nhà khoa học. Ông cho rằng nước Anh cần phải chuyển cách tiếp cận sang dựa vào vaccine và các mũi tăng cường để kiểm soát dịch COVID-19, bởi nguy cơ lớn nhất vẫn là chưa tiêm phòng.

Chủ tịch JVCI tỏ ra thận trọng đối với việc Israel và Đức "bật đèn xanh" tiêm mũi tăng cường thứ hai cho tất cả những người trên 60 tuổi.

Ông nhận định trong tương lai, nước Anh cần tập trung vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương thông qua việc đảm bảo họ có thể tiếp cận các mũi vaccine tăng cường và các phương pháp điều trị.

[Đại dịch COVID-19 có thể trở thành bệnh theo mùa từ năm 2022]

Mặc dù người được tiêm mũi tăng cường sẽ có kháng thể mạnh vài tháng sau khi tiêm, song vẫn cần có thêm dữ liệu để đánh giá thời điểm và tần suất những người này cần tiêm bổ sung.

Ông lưu ý rằng việc điều chỉnh vaccine sẽ không thể bắt kịp với cuộc chiến chống biến thể mới và biện pháp tiêm chủng 4-6 tháng/lần là không bền vững, do đó cần tập trung bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Phát biểu của Giáo sư Pollard được đưa ra trong bối cảnh người dân các vùng England và Wales của Anh đã trở lại công sở sau thời gian nghỉ lễ và các trường học cũng bắt đầu mở cửa trở lại.

Hiện có nhiều quan ngại rằng các doanh nghiệp và trường học sẽ phải đóng cửa do sự lây lan của biến thể Omicron.

Dự kiến các bộ trưởng Anh sẽ nhóm họp nhằm hoàn tất kế hoạch để duy trì hoạt động kinh tế, đảm bảo các trường học và bệnh viện tiếp tục vận hành thông qua việc đẩy nhanh công tác xét nghiệm cho 10 triệu nhân viên làm việc trong lĩnh vực thiết yếu.

Ước tính có 50% nhân viên của lực lượng tuyến đầu, bao gồm nhân viên các cơ sở dưỡng lão và cảnh sát, đã phải ngừng công việc do dịch bệnh. Tình trạng thiếu nhân lực này trở nên trầm trọng hơn do vấn đề tiếp cận xét nghiệm, dẫn đến trì hoãn thời gian họ quay lại làm.

Ngày 3/1 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục Anh Nadhim Zahawi khẳng định có đủ nguồn cung xét nghiệm COVID-19 cho các trường học, sau khi nước này đặt mùa 45 triệu kit xét nghiệm.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng nước này cần theo đuổi Kế hoạch B, thay vì áp đặt các biện pháp hạn chế mới. Tuy nhiên, ông cảnh báo Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) sẽ đối mặt với áp lực lớn trong vài tuần.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, ngày 3/1, Anh ghi nhận thêm 157.758 ca nhiễm mới, tăng 446,% trong một tuần. Tuy nhiên, giới chức y tế và các nhà khoa học cho rằng số ca tại London có thể đã đạt đỉnh, khi số người nhập viện trong cùng ngày giảm 28% so với tuần trước xuống còn 314 người.

Theo trang worldometers.info, tính đến ngày 4/1, Anh có tổng cộng hơn 13,4 triệu ca nhiễm và 148.893 ca tử vong do COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục