Cơ hội đạt được bước tiến mới tại đàm phán ở Geneva

Trước thềm cuộc đàm phán tại Geneva, cả Mỹ và Iran đều lên tiếng bày tỏ hy vọng sẽ đạt được sự khai thông cho chương trình hạt nhân của Tehran. 

Ngày 20/11, tại Geneva (Thụy Sĩ), Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc cùng với Đức), bắt đầu tái khởi động cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Cuộc đàm phán mới lần này được kỳ vọng có thể giúp hai bên tiến tới một thỏa thuận tạm thời, theo đó Iran có thể sẽ hạn chế hoặc ngừng một phần chương trình hạt nhân, đổi lại các cường quốc sẽ nới lỏng các biện pháp cấm vận kinh tế đối với Tehran.

Trước thềm cuộc đàm phán, cả Mỹ và Iran đều lên tiếng bày tỏ hy vọng sẽ đạt được sự khai thông cho chương trình hạt nhân của Tehran.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi Tehran có những hành động cụ thể hướng tới ký kết một thỏa thuận chứng tỏ với cộng đồng thế giới rằng chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình.

Phát biểu với báo giới trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm tại Bộ Ngoại giao Mỹ với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu, ông Kerry cho biết Mỹ không có sự chờ đợi gì cụ thể từ cuộc đàm phán sắp tới tại Geneva ngoài việc đàm phán trên tinh thần nghiêm túc và tin cậy, qua đó cố tìm kiếm thỏa thuận đầu tiên cho vấn đề này.

Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ hy vọng Iran hiểu rõ tầm quan trọng của việc tới Geneva để cùng nhóm P5+1 đi đến thông qua một văn bản thỏa thuận để chứng minh với thế giới rằng chương trình hạt nhân của Iran là vì mục đích hòa bình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Ngoại trưởng John Kerry "sẵn sàng trực tiếp tham gia với điều kiện cuộc đàm phán sắp tới là có tiến triển thực sự".

Cùng ngày, Tổng thống Barack Obama đã gặp các nghị sỹ hàng đầu của hai đảng tại Nhà Trắng, một lần nữa hối thúc họ trì hoãn thêm một thời gian kế hoạch bỏ phiếu áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới chống Iran.

Phát biểu trong cuộc gặp, Tổng thống Obama nói với các nghị sỹ rằng các đòn trừng phạt mới sẽ không muộn, nếu cuộc đàm phán tới không đạt được thỏa thuận sơ bộ và Iran vẫn tiếp tục chương trình làm giàu urani.

Trong bức thư gửi Ngoại trưởng John Kerry sau cuộc gặp với ông Obama, sáu thượng nghị sỹ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đã hối thúc chính quyền Obama không chấp nhận thỏa thuận mà họ cho là "hào phóng" với Iran.

Tuần trước, ông Obama cũng đã đề nghị Thượng viện Mỹ hoãn thông qua dự luật siết chặt hơn nữa các biện pháp cấm vận đối với Teharan. Một số cộng sự của các nghị sỹ Mỹ tiết lộ nhiều khả năng dự luật áp đặt các đòn trừng phạt mới với Iran sẽ không được đưa ra Thượng viện bỏ phiếu trước tháng 12/2013.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát băng video thông cáo báo chí bày tỏ hy vọng các cường quốc thế giới sẽ nắm lấy "cơ hội lịch sử" trong cuộc đàm phán sắp tới để ký kết với quốc gia Hồi giáo này một thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi kéo dài hơn 10 năm qua.

Trong thông cáo báo chí, ông Zarif đưa ra đề xuất giải quyết vấn đề gây tranh cãi nhất trong hai vòng đàm phán gần đây là quyền của Tehran được làm giầu urani, nhưng không nhất thiết yêu cầu các cường quốc phải thừa nhận quyền này.

Vòng đàm phán trước đó diễn ra ngày 7-9/11 bị bế tắc khi Iran khăng khăng đòi đưa vào bản dự thảo thoản thuận điều khoản buộc các cường quốc phải công khai thừa nhận quyền được làm giàu urani của nước này.

Ông Zarif cho rằng cơ hội thực sự đang mở ra nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu chừng nào phương Tây chấp nhận đàm phán với Iran ở thế bình đẳng, thay vì tìm cách áp đặt ý muốn riêng của phương Tây.

Phát biểu với các phóng viên trước khi rời Tehran sang Geneva, ông Zarif nói rằng Iran "sẵn sàng chấp nhận những tiến bộ nghiêm túc, thay vì một thỏa thuận", nhưng nếu cả hai bên đều có thiện chí thì "thậm chí cũng có thể đạt được một thỏa thuận" trong cuộc đàm phán tại Geneva lần này. Ngoại trưởng Iran cũng cảnh báo Israel đang tìm cách phá hoạt tiến trình đàm phán của Iran với nhóm P5+1 và không muốn cuộc đàm phán thành công.

Về lập trường của Iran, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 19/11 cũng đã tuyên bố vấn đề hạt nhân của Iran có thể được giải quyết nếu cộng đồng quốc tế công nhận quyền làm giàu urani vì mục đích hòa bình của Tehran. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh Iran phải có quyền lợi giống như các nước khác ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Theo ông, một khi quyền này được công nhận, sự nghi ngại của Iran sẽ biến mất, đổi lại Tehran sẽ "minh bạch hơn trước Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế" (IAEA) về chương trình hạt nhân của mình.

Ông Lavrov cũng nhận định rằng vấn đề hạt nhân của Iran không thể giải quyết thông qua việc áp đặt các lệnh trừng phạt, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế đang có cơ hội thực sự để đạt được thỏa thuận với Iran dựa trên đề xuất của Nga.

Liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ có chuyến thăm Nga vào ngày 20/11. Đây là chuyến thăm Nga thứ năm của ông kể từ tháng 3/2009.

Giới quan sát cho rằng chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ là chương trình hạt nhân của Iran. Thủ tướng Israel sẽ tìm cách chứng minh với Nga rằng Iran là mối nguy hiểm, không nên tin tưởng Tổng thống Hassan Rouhani và không cần phải vội vàng dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục