Có phải Tổng thống Mỹ Donald Trump đang quay lưng với Palestine?

Ilan Goldenberg - cựu quan chức Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng Mỹ có truyền thống hành động như một "lính cứu hỏa" nhưng hiện nay dường như Mỹ đang thiên về vai trò "kẻ đốt nhà."
Có phải Tổng thống Mỹ Donald Trump đang quay lưng với Palestine? ảnh 1Người dân Palestine chuyển lương thực cứu trợ bên ngoài trung tâm phân phối lương thực của Liên hợp quốc tại Gaza. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng Al-Monitor mới đây đăng bài viết có tiêu đề "Tổng thống Mỹ Donald Trump đang quay lưng với Palestine."

Theo nội dung bài viết, chính quyền Trump, khác với các Chính quyền Mỹ trước đó, dường như đang đồng điệu với quan điểm của Israel và quay lưng với người Palestine trong một số vấn đề chủ chốt liên quan đến cuộc xung đột Israel-Palestine, từ vấn đề pháp lý của Jerusalem tới câu hỏi về quyền hồi hương của người Palestine tị nạn.

Ba tháng sau khi chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, chính quyền Trump tuyên bố sẽ cắt 200 triệu USD trong khoản viện trợ của Mỹ dành cho các chương trình nhân đạo và phát triển tại Bờ Tây và Dải Gaza. Mỹ cũng được cho là sẽ tiếp tục cắt giảm các khoản đóng góp trong năm nay cho Cơ quan Viện trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).

Các khoản này thường được dùng trong các chương trình viện trợ nhân đạo, xây trường học, cung cấp các dịch vụ xã hội cho khoảng 5 triệu người tị nạn Palestine.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley ngày 28/8 cho biết "chính sự không tử tế và những lời chỉ trích" của Chính quyền Palestine đối với Mỹ là một trong những nhân tố khiến Mỹ quyết định cắt giảm các khoản đóng góp cho UNRWA.

Lara Friedman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là Giám đốc Quỹ Hòa bình Trung Đông, nói với al-Monitor rằng Chính quyền Trump đang âm thầm loại bỏ các vấn đề chủ chốt trong cuộc xung đột Israel-Palestine ra khỏi bàn đàm phán với mục đích là đẩy Chính quyền Palestine vào thế bí.

Ông nhấn mạnh: "Chính quyền Mỹ đã loại vấn đề Jerusalem khỏi bàn đàm phán, và bây giờ đang muốn loại nốt vấn đề người tị nạn Palestine."

Chuyên gia phân tích người Mỹ gốc Palestine Yousef Munayyer cũng đồng tình với quan điểm trên khi nói: "Nếu nhìn vào tất cả các động thái gần đây của Mỹ có thể thấy Chính quyền Mỹ cơ bản có chung quan điểm với Israel trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Ai cũng biết khởi nguồn của Chính quyền Trump là một chính quyền rất giống với những người cánh tả Israel. Chính quyền Trump đang thực hiện một cách có hệ thống những chính sách giống như chính sách của Israel trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Họ đang thay đổi mục đích của các cuộc đàm phán mà các Chính quyền Mỹ trước đó đã nhất trí, đó là thành lập một nhà nước Palestine độc lập tồn tại bên cạnh nhà nước Israel."

Ilan Goldenberg - cựu quan chức Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ, người từng tham gia tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông - cho rằng Mỹ có truyền thống hành động như một "lính cứu hỏa," ngăn chặn các bước đi có thể gây thêm căng thẳng trên thực địa, nhưng hiện nay dường như Mỹ đang thiên về vai trò "kẻ đốt nhà."

Ông nhấn mạnh: "Tất cả những gì Chính quyền Trump đang làm là đưa ra những ý kiến thực sự khó hiểu và tiêu cực đối với người Palestine, trong khi lại ưu ái người Israel. Sự thực là không có sự công bằng."

[Mỹ sẵn sàng cho kế hoạch hòa bình giải quyết xung đột Israel-Palestine]

Ghaith al-Omari, cựu cố vấn của phái đoàn đàm phán Palestine và hiện là chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Chính sách Cận Đông tại Washington, nói: "Các chính quyền Mỹ trước đây luôn khẳng định quyền hồi hương của người Palestine tị nạn là vấn đề được quyết định thông qua đàm phán, nhưng chính quyền Trump hiện giờ dường đang muốn loại bỏ vấn đề này khỏi bàn đàm phán. Mỹ đã loại Jerusalem khỏi đàm phán và muốn loại bỏ tiếp vấn đề người tị nạn... Chính quyền Trump tin rằng những bước đi này sẽ tạo áp lực đối với Chính quyền Palestine và ép được người Palestine chấp nhận các quan điểm của Mỹ."

Ông Omari cho rằng việc Mỹ cắt viện trợ cho các chương trình phát triển tại Bờ Tây và Dải Gaza cũng như cắt viện trợ cho UNRWA không những khiến cho người Palestine gặp khó khăn mà còn làm cho họ nổi giận với Chính quyền Palestine, Hamas, Israel và Mỹ.

Ông Goldenberg cũng đồng tình khi cho rằng quyết định của Mỹ cắt viện trợ cho UNRWA có thể phản tác dụng, giống như việc Trump đã chia tách trẻ nhập cư với cha mẹ của chúng tại biên giới phía Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục