Cói Nga Sơn - thương hiệu được khẳng định trên thị trường

Các sản phẩm từ cói của huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã đi muôn nơi, được bày bán tại các khu du lịch trong và ngoài tỉnh và xuất khẩu tới hơn 30 nước.
Cói Nga Sơn - thương hiệu được khẳng định trên thị trường ảnh 1Các sản phẩm từ cói của Nga Sơn đã đi muôn nơi, tạo nhiều việc làm, đem lại thu nhập cho người dân địa phương. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Huyện Nga Sơn được ví như thủ phủ cói của xứ Thanh. Ở hầu hết các xã ven biển của huyện, người dân chủ yếu sống từ nghề trồng cói. Hiện sản lượng cói ở Nga Sơn đã đạt tới 20.000 tấn/năm, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp từ cây cói đạt từ 180 đến trên 200 tỷ đồng.

Trải qua hàng trăm năm, cói Nga Sơn vẫn khẳng định được vị thế trên thị trường và tạo nên thương hiệu riêng cho vùng đất này.

Một năm, người nông dân Nga Sơn trồng 2 vụ gồm cói vụ chiêm thu hoạch từ tháng 6-7 và cói vụ mùa thu hoạch vào tháng 10-11.

Trồng cói, chăm sóc cói đã vất vả nhưng thu hoạch cói cũng vất vả không kém và mất rất nhiều thời gian bởi sau khi cắt cói bằng những chiếc liềm chuyên dụng, người nông dân sẽ gom cói thành những bó vừa tay để giũ cho sạch cỏ, rác hoặc những sợi chết khô và chỉ để lại những sợi cói tươi xanh, sau đó sẽ phân loại những sợi dài, ngắn khác nhau. Những sợi cói dài và còn tươi sẽ được chặt gọn phần gốc, phần ngọn.

[Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045]

Sau đó, người dân bắt đầu chẻ cói. Đây là công đoạn rất quan trọng, mất nhiều thời gian và công sức bởi nếu không chẻ cói kịp thời, để héo sẽ rất khó chẻ. Thường cây cói sẽ được chẻ làm 2 mảnh rồi mới đem phơi ngay trên những ruộng vừa thu hoạch xong.

Cói có thể được phơi thẳng hàng hoặc phơi theo hình dẻ quạt. Thời tiết nắng nóng như thời điểm này rất thích hợp cho việc thu hoạch cói, chỉ cần phơi từ sáng đến chiều là cói sẽ khô, lên màu rất đẹp.

Công việc của người nông dân trong vụ thu hoạch cói diễn ra từ sáng sớm tinh mơ cho đến tối muộn. Những hôm thời tiết nắng nóng, người dân nơi đây phải thức dậy tư 2 giờ sáng, tranh thủ ra đồng đi cắt cói để tránh nắng. Đến lúc nắng lên là có thể phơi cói trên đồng, chiều mát là có thể thu hoạch cói thành phẩm để nhập cho các đại lý...

Sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng cói sẽ tiếp tục chăm sóc bằng cách làm cỏ, bón phân, cây sẽ mọc trở lại và nhanh phát triển cho vụ tiếp theo.

Cói sau khi sơ chế sẽ được dệt thành chiếu và các sản phẩm tiểu thủ công như mũ, túi xách, làn, đồ trang trí, đồ lưu niệm… Các sản phẩm từ cói của Nga Sơn đã đi muôn nơi, tạo nhiều việc làm, đem lại thu nhập cho người dân địa phương.

Các sản phẩm làm từ cói của Nga Sơn được bày bán tại các khu du lịch trong và ngoài tỉnh, ngoài ra còn được xuất khẩu tới hơn 30 nước trên thế giới trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục