Trồng cói trên đất nhiễm phèn giúp tăng thu nhập cho người dân

Việc đưa cây cói thay thế cây lúa một vụ trên đất nhiễm phèn đã giúp hàng nghìn hộ dân địa phương xã Đức Mỹ, Trà Vinh tăng thu nhập.
Trồng cói trên đất nhiễm phèn giúp tăng thu nhập cho người dân ảnh 1Vùng chuyên canh cây cói ở xã Đức Mỹ. (Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN)

Xã Đức Mỹ nằm bên dòng sông Cổ Chiên, thuộc huyện Càng Long được xem là “vương quốc” cây cói của tỉnh Trà Vinh và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sau gần 8 năm xã mạnh dạn đưa cây cói thay thế cây lúa một vụ trên đất nhiễm phèn, mặn, đã giúp cho hàng nghìn hộ dân địa phương được đổi đời.

Hiện nay, toàn xã đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ cói Đông Xuân, cả cánh đồng chuyên canh cói rộng hơn 600ha nằm trải dài theo dòng sông Cổ Chiên rộn rã tiếng nói, tiếng cười của hàng trăm con người đang tất bật với các công việc thu hoạch cói, chẽ cói, phơi cói...

Người dân Đức Mỹ phấn khởi vì vụ cói Đông Xuân này đạt năng suất cao, lại được giá. Ông Kim Văn Tiền, ở ấp Đức Hiệp, vui vẻ cho biết năng suất vụ này khá hơn vụ trước từ 100 đến 150 kg/công, mỗi công ước đạt trên một tấn cói khô.

Cói ở Đức Mỹ loại 1 cọng dài hơn 2 m, màu sắc đẹp, dẻo nên các cơ sở thu mua tại địa phương và thương lái từ các nơi khác đến mua với giá 19.000-20.000 đồng/kg, còn cói loại 2 có giá 14.000-15.000 đồng/kg, trừ chi phí cầm chắc lợi nhuận 80 triệu đồng/ha.

Một năm, cây cói cho thu hoạch 3 vụ, hiệu quả kinh tế lên hơn 150 triệu đồng, tính ra chưa có cây trồng nào ở đây cho hiệu quả kinh tế cao hơn thời điểm này.

Có được mức thu nhập trên, phải kể đến công của những người lãnh đạo địa phương đã dám nghĩ, dám làm, khuyến khích người dân xóa bỏ cây lúa một vụ bấp bênh để thay thế bằng cây cói vốn được xem là cây hoang dại.

Anh Võ Văn Hạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Mỹ kể mấy chục năm trời tìm nhiều phương cách cải tạo lại đất nông nghiệp để phát triển cây lúa, nhưng vẫn không sao rửa hết được phèn, ngăn được mặn xâm nhập. Trồng cây lúa chưa có năm nào đạt năng suất được 4 tấn/ha, nên cuộc sống của người dân cứ quẩn quanh cái vòng thiếu ăn, thiếu mặc, hàng trăm hộ nghèo phải xa quê đi làm thuê nơi khác.

Năm 2006, khi nghề dệt thảm xuất khẩu ở tỉnh Vĩnh Long và số nơi khác phát triển rầm rộ. Nguồn nguyên liệu từ cây cói trên thị trường trở thành mặt hàng hiếm cung không đủ cầu nên thường trực Đảng ủy và Ủy ban Nhân dân xã mới quyết định đề ra chủ trương chuyển đổi cây lúa sang trồng cây cói. Ban đầu, xã vận động, khuyến khích vài chục hộ dân trồng thử vài chục hécta. Thấy được hiệu quả, người dân địa phương dần tự chuyển đổi sang trồng cói.

Khi toàn bộ đất trồng lúa được chuyển sang trồng cói, Ủy ban Nhân dân xã Đức Mỹ khuyến khích người dân tham gia thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để mở ra thêm nghề dệt thảm, chiếu cói xuất khẩu.

Được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ trong việc truyền nghề dệt thảm, chiếu cói, nên người dân Đức Mỹ tích cực tham gia vào tổ hợp tác và Hợp tác Quyết Tâm do xã hỗ trợ thành lập.

Toàn xã có 2.348 hộ dân, hiện đã có hơn 1.600 hộ tham gia vào làm ăn tập thể, gắn bó với nghề chẽ cói, phơi cói, se lõi cói, dệt thảm, chiếu xuất khẩu. Năm 2009, Đức Mỹ được tỉnh công nhận là làng nghề dệt thảm, chiếu xuất khẩu và trở thành thành viên Hiệp hội làng nghề Việt Nam.

Những năm qua, làng nghề nghề dệt thảm, chiếu xuất khẩu Đức Mỹ luôn đứng đầu các làng nghề khác trong tỉnh về làm ăn hiệu quả. Bình quân mỗi lao động tận dụng thời gian nhàn rỗi để se lõi cói, đan thảm, dệt chiếu mỗi ngày có thu nhập từ 50.000-60.000 đồng. Hợp tác xã Quyết Tâm mỗi năm sản xuất gần 600.000 sản phẩm chiếu, thảm… xuất khẩu.

Xã Đức Mỹ hiện chỉ còn 134 hộ nghèo tính theo tiêu chí mới. Thu nhập bình quân người dân trong xã năm 2014 đạt trên 25 triệu đồng/người/ năm, tăng gấp 2 lần so 5 năm trước. Cây cói đã thật sự giúp người dân Đức Mỹ từ cuộc sống khó khăn vươn lên ấm no, sung túc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục