'Cơn khát' thuốc điều trị, vật tư y tế: 'Khi trăm dâu đổ đầu tằm'

Có ý kiến cho rằng "cơn bão mang tên Việt Á" đã làm nảy sinh tâm lý lo ngại, lưỡng lự của những người đứng đầu hay có trách nhiệm khi triển khai các hoạt động đấu thầu, mua sắm tại các cơ sở y tế.
Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bằng các máy công nghệ cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bằng các máy công nghệ cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, 91% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng dần qua các năm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Quỹ bảo hiểm y tế đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế.

Tuy nhiên, gần đây, qua thực tế theo dõi và phản ánh của người bệnh cho thấy tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh đã xảy ra tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đây được coi là vấn đề nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, một số vụ việc tiêu cực của ngành y tế gần đây khiến nhiều cán bộ bị khởi tố, truy tố, xét xử cũng liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế. Đặc biệt, "quả bom" Việt Á đã gây chấn động cả nước khi nhiều lãnh đạo y tế từ trung ương đến địa phương đã có hành vi sai phạm nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí kinh phí và tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.

Có ý kiến cho rằng "cơn bão mang tên Việt Á" đã làm nảy sinh tâm lý lo ngại, lưỡng lự của những người đứng đầu hay có trách nhiệm khi triển khai các hoạt động đấu thầu, mua sắm tại các cơ sở y tế…

Ba chữ “chịu trách nhiệm” chưa bao giờ lại được đề cao và ảnh hưởng sát sườn đến những người làm công tác quản lý đến như vậy. Điều này vô hình chung đã tạo nên “cơn khát” thiếu vật tư, thuốc chữa bệnh, đặc biệt thuốc được bảo hiểm y tế chi trả.

Điều lạ lùng hơn khi tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất đang diễn ra tại rất nhiều cơ sở y tế, nhưng khi được hỏi về thực trạng hay nguyên nhân thì đa phần các lãnh đạo bệnh viện đều “né” câu trả lời hay từ chối lên tiếng vì… “nhiều lý do khó nói liên quan tới công tác phòng chống tham nhũng.”

Để hiểu rõ nguyên nhân sâu xa dân tới tình trạng trên cũng như các giải pháp để triệt tiêu “căn bệnh trầm kha” này, xin mời độc giả cùng theo dõi loạt bài “Cơn khát thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế: Khi trăm dâu đổ đầu tằm”.

Bài 1: Người bệnh và nỗi lo “trả tiền” cho quyền lợi chính đáng

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế như một “căn bệnh” âm ỉ diễn ra trong những tháng gần đây. Nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế phản ánh nếu như trước kia, những loại thuốc họ điều trị đều lấy từ nguồn bảo hiểm y tế thì nay họ phải tự mua các thuốc đó bên ngoài, với chi phí lên tới tiền triệu/tháng.

Khi người bệnh thắc mắc thì nhân viên y tế trả lời do cơ chế, do đấu thầu chưa xong… Cứ như vậy, người bệnh phải oằn mình gánh hết các chi phí mà đáng lẽ ra họ được hưởng hay không phải trả tiền.

Ngoại trú “dài cổ” chờ mổ, nội trú tự mua kim tiêm

Chị N.N.H. tới khám tiêu hóa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau khi bác sỹ thăm khám, chị H. nhận được lời khuyên của bác sỹ rằng bệnh chưa cấp thiết, nên hãy chờ một thời gian nữa để được mổ. Lý do vị bác sỹ này đưa ra là hiện bệnh viện thiếu nhiều thuốc, hóa chất và vật tư y tế, nếu bệnh nhân mổ thời điểm này sẽ rất vất vả, nên chờ một thời gian.

[Bà Rịa-Vũng Tàu: Nhiều đơn vị khám, chữa bệnh thiếu thuốc, vật tư y tế]

Sau khi nghe lời khuyên của bác sỹ, bà H. đành ngậm ngùi quay trở về quê nhà Thanh Hóa với nỗi lo bệnh tật treo lơ lửng trên đầu không biết bao giờ mới được giải quyết.

'Cơn khát' thuốc điều trị, vật tư y tế: 'Khi trăm dâu đổ đầu tằm' ảnh 1Người dân chờ xếp hàng làm thủ tục khám bệnh tại một bệnh viện tuyến trung ương. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Một trường hợp khác, ông H.H.K đi khám dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai, trước kia ông thường xuyên đi khám tại bệnh viện và rất hài lòng vì chỉ khám trong nửa ngày là xong. Giờ đây, dù là bệnh nhân dịch vụ nhưng ông vẫn phải “dài cổ” chờ đợi bởi mặc dù bác sỹ đã có chỉ định chiếu chụp song do máy móc và hóa chất đều thiếu nên ông K. phải chờ đến chiều mới tới lượt. Thậm chí, không may mắn như ông K., ông N.N.L đi khám bảo hiểm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 dù đã có chỉ định của bác sỹ do mắc bệnh hiểm nghèo, cần chụp cắt lớp ngay, song được phòng chụp hẹn quay lại sau… 3 ngày.

Khi thắc mắc với bác sỹ, ông K, được nghe giải thích do hiện nay nhiều máy móc của bệnh viện thuộc nguồn xã hội hóa, máy móc đang bị phong tỏa nên hầu như 50% máy móc không hoạt động. Bên cạnh đó, công tác đấu thầu nhiều khoản đang chậm nên hóa chất, vật tư, sinh phẩm y tế cũng bị thiếu. Vì vậy, bệnh nhân không thể thực hiện được các việc chiếu, chụp cũng như đáp ứng thuốc ngay tức thời như trước kia.

Chị L.Y.N ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết trước khi đưa mẹ đi khám chị có hỏi qua bác sỹ và nắm được thực trạng tại các bệnh viện công hiện nay thiếu sinh phẩm hóa chất nên việc chẩn đoán, chiếu chụp sẽ phải chờ đợi rất lâu. Có bệnh nhân được hẹn 2 tuần mới tới lượt chiếu chụp. Chị H. đã đưa mẹ ra khám tại phòng khám tư chiếu chụp hết gần 6 triệu đồng.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào, gia đình nào cũng có điều kiện như chị L.Y.N khi đưa người nhà ra các bệnh viện, phòng khám tư với chi phí rất đắt đỏ.

Tại nhiều bệnh viện công, tình trạng bệnh nhân điều trị nội trú phải tự đi mua bơm kim tiêm bên ngoài rồi mang về cho các bác sỹ tiêm hoặc tự mua dây truyền để sử dụng khi cần hiện cũng đang xảy ra. Đặc biệt, nhiều bệnh viện thiếu các loại thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp…

Bị tai biến nên ông N.T.Đ. (sinh năm 1954, trú tại huyện Xuân Trường) đã phải nhập viện điều trị khoảng một tuần nay tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Quá trình điều trị bệnh, ông Đ. được các bác sỹ tại đây cấp phát thuốc uống đầy đủ. Tuy nhiên, ông phải tự đi mua bơm kim tiêm bên ngoài để đưa cho các bác sỹ tiêm.

Ông Đ. cho biết không chỉ mình ông mà cả phòng điều trị của ông nếu ai muốn tiêm đều phải mua bơm kim tiêm bên ngoài. Lý do được các bác sỹ giải thích là do bệnh viện đang tạm thời hết nên bệnh nhân phải tự mua.

'Cơn khát' thuốc điều trị, vật tư y tế: 'Khi trăm dâu đổ đầu tằm' ảnh 2Nhiều bệnh viện công hiện nay trong tình trạng thiếu sinh phẩm hóa chất trong xét nghiệm và chụp chiếu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong chuyến đi thực tế của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gần đây, bệnh nhân Đồng Phước Anh (Bình Thuận) đang điều trị suy thận mãn 2 năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết những tháng gần đây, ông đều phải tự mua dịch lọc do bệnh viện không có.

Không chỉ bệnh nhân Phước Anh, một bệnh nhân nữ khác cũng chung cảnh ngộ khi phải mua một số thuốc điều trị ở bên ngoài.

“Cơn khát” đang lan rộng…

Có thể thấy tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau, tại nhiều cơ sở y tế cả ở tuyến trung ương và tuyến địa phương.

Đề cập đến vấn đề thiếu thuốc, vật tư hóa chất, Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết thống kê đối với 34/63 Sở Y tế, có 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.

Các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc gồm: Kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền…

'Cơn khát' thuốc điều trị, vật tư y tế: 'Khi trăm dâu đổ đầu tằm' ảnh 3Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Bên cạnh đó, có 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm.

Về trang thiết bị y tế, có 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế. Các trang thiết bị y tế chuyên sâu thiếu như: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

Tại nhiều cơ sở y tế, không chỉ thiếu các hiếm, thuốc biệt dược để phục vụ điều trị chuyên sâu mà còn thiếu các thuốc điều trị thông thường. Một số cơ sở y tế thiếu vật tư, trang thiết bị, thiếu linh kiện thay thế cho các thiết bị đang vận hành cần sửa chữa, bảo dưỡng. Đó dường như là một nghịch lý làm đảo lộn lại những “bước tiến” trong công tác khám chữa bệnh. Bởi chưa bao giờ ngành y tế lại lâm vào tình thế “tạo nên độ chậm trễ” đến như vậy.

Bởi những năm gần đây, cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách bảo hiểm y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng dần qua các năm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; quỹ bảo hiểm y tế đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế.

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế gia tăng nhanh qua các năm. (Nguồn: BHXHVN; Đơn vị: %)

'Cơn khát' thuốc điều trị, vật tư y tế: 'Khi trăm dâu đổ đầu tằm' ảnh 4

Chính vì vậy, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Nếu như các năm 2009, 2015 độ bao phủ bảo hiểm y tế lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số.

Danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ bảo hiểm y tế với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và trên hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu… Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia bảo hiểm y tế còn được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế (337 loại, mỗi loại có rất nhiều chủng loại theo tên thương mại).

Theo các chuyên gia y tế, việc thiếu thuốc và vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh không phải là vấn đề mới, song “cơn khát” đã trở nên nghiêm trọng làm ảnh hưởng rất lớn đến nhiều bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân có bảo hiểm y tế, đẩy người bệnh vào tình thế “phải tự cứu lấy mình”. Trong khi đó, các bệnh viện thì chỉ tìm mọi lý do đùn đẩy trách nhiệm, dổ hết lỗi cho “cơ chế”./.

Mời độc giả đón đọc toàn bộ loạt bài:

Bài 1: Người bệnh và nỗi lo “trả tiền” cho quyền lợi chính đáng

Bài 2: Người dân thiếu thuốc, bệnh viện 'sợ sai': Nguyên nhân là tại cơ chế?

Bài 3: Sợ “bóng ma” tham nhũng: Khi người làm quản lý phải nhìn nhận lại

Bài 4: Giải bài toán thuốc, vật tư y tế: Cần hành lang pháp lý phù hợp

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục