Giải bài toán thuốc, vật tư y tế: Cần hành lang pháp lý phù hợp

Nếu ví hệ thống y tế đang mắc phải căn bệnh “thập tử nhất sinh” thì bên cạnh các bộ phận “hoại tử” phải loại bỏ, cũng phải giữ cho thể trạng sống của cả hệ thống.
Thiết bị y tế hiện đại không thể thiếu trong công tác khám chữa bệnh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Thiết bị y tế hiện đại không thể thiếu trong công tác khám chữa bệnh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Y tế là một trong những trụ cột lớn của an sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người dân. Làm sao để không còn tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị, đáp ứng thuốc cho người dân là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo quyền lợi cho người dân?

Câu hỏi này đang cần lời giải đáp thỏa đáng, bởi sự thiếu hụt này ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh cũng như việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc y tế.

Không để cả hệ thống "chết"

Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc đầu tư mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế là vô cùng quan trọng, tuy nhiên đang có vướng mắc về mặt pháp lý, có tình trạng sợ trách nhiệm... dù Chính phủ đã có các nghị quyết, chỉ thị nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, các quyết định, chỉ đạo này vẫn chưa đủ mạnh, quy trình thủ tục vẫn có "độ trễ" nhất định.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hà Nội, cho rằng hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm… đang bị đứt gãy nghiêm trọng do các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, các công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ. Nguyên nhân là các giám đốc không mặn mà làm, thậm chí còn ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế.

“Đây là điều đáng quan ngại vì sẽ tác động xấu đến người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc men ở ngoài và không quản lý được chất lượng thì sẽ rất nguy hiểm,” Giáo sư Trí cho hay.

Giải bài toán thuốc, vật tư y tế: Cần hành lang pháp lý phù hợp ảnh 1Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hà Nội. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Vì vậy, Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh một trong những giải pháp cần làm là “phải ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý - bao gồm các luật như Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng chống dịch và cả những luật khác có liên quan như Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Tài sản công…; kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt là những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ bệnh viện… Cần có một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp để cán bộ y tế thực hiện”.

Bên cạnh đó, giải pháp lâu dài là phải rà soát lại tất cả hệ thống, văn bản pháp luật đã có, kịp thời bổ sung quy định để người làm công tác quản lý trong nhành y yên tâm làm việc. Tuy nhiên, mục tiêu này đòi hỏi cả một quá trình vì rất nhiều vấn đề liên quan đến khung pháp lý cần phải bổ sung, hoàn thiện.

Đồng tình với quan điểm trên, song theo ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng-an ninh của Quốc hội, chính sách có thể ban hành chưa đồng bộ, bộ máy có thể gặp trục trặc nhưng công cuộc chữa bệnh cứu người không được ngừng nghỉ. Vì vậy, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cần phải được xử lý, khắc phục ngay và luôn.

Giải bài toán thuốc, vật tư y tế: Cần hành lang pháp lý phù hợp ảnh 2Nhiều phòng mổ tại các bệnh viện thiếu các vật tư y tế phục vụ phẫu thuật. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

“Điều gì hỗ trợ cho ngành y hay cái gì tháo gỡ được phải tháo gỡ ngay, như các quy định liên quan xã hội hóa, đầu tư trang thiết bị máy móc... Đặc biệt, đấu thầu đang ‘vướng’ ở cơ sở y tế công. Do đó, để giải quyết phải làm triệt để thì quy trình đấu thầu phải minh bạch khách quan, đấu thầu trong y tế có đặc thù riêng nên giá trong đấu thầu y tế phải khác so với các lĩnh vực khác,” ông An nói.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, nếu ví hệ thống y tế đang mắc phải căn bệnh “thập tử nhất sinh” thì bên cạnh các bộ phận “hoại tử” phải loại bỏ, cũng phải giữ cho thể trạng sống của cả hệ thống, còn nếu để cả hệ thống "chết" thì người bệnh chính là đối tượng phải trả giá đầu tiên.

Đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, cấp phép

Trước tình hình trên, ngày 23/6, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ họp về cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách, quy định liên quan mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; chủ động, tích cực xử lý những vướng mắc, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Giải bài toán thuốc, vật tư y tế: Cần hành lang pháp lý phù hợp ảnh 3Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về việc cung ứng thuốc, vật tư y tế và giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế để ban hành trước ngày 4/7/2022 các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền nhằm khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Cùng với đó, ngành y tế khẩn trương tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở Trung ương; chỉ đạo các tỉnh, các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức đấu thầu thuốc theo đúng quy định, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Tài chính tập trung cao độ, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để thực hiện hiệu quả, khẩn trương có giải pháp khơi thông bất cập trong đấu thầu, mua sắm thuốc, giải bài toán thiếu thuốc và các vật tư tiêu hao; không để những vướng mắc về thủ tục mua sắm vật tư y tế ảnh hưởng đến yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.

Trước mắt, để khắc phục tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ Y tế lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dùng trong khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, có tính kế thừa và dự phòng hợp lý để tránh tình trạng bị động giữa các kỳ kế hoạch.

Giải bài toán thuốc, vật tư y tế: Cần hành lang pháp lý phù hợp ảnh 4Nhân viên y tế làm công tác cấp phát thuốc tại bệnh viện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến công tác đấu thầu mua sắm thuốc, ông Lê Thanh Dũng-Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), cho biết để đẩy nhanh tiến độ của các gói thầu, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng đã gửi thư đàm phán giá lần 1 với 62 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn.

Vừa qua, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã chính thức mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023, với 528 sản phẩm thuốc. Nếu xong sớm, trong tháng 7/2022, trung tâm sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu sau khi tổ chuyên gia đánh giá, thẩm định, xem xét cần có kiến nghị, đánh giá.

Về giải pháp trong ngắn hạn, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá tại Trung ương và địa phương. Mặt khác, Bộ Y tế đồng thời sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền như sửa đổi Thông tư số 32 về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; ban hành Thông tư thực hiện Nghị định số 98 về quản lý trang thiết bị y tế…

Giải bài toán thuốc, vật tư y tế: Cần hành lang pháp lý phù hợp ảnh 5Người dân ngồi chờ khi đi khám chữa bệnh tại một cơ sở y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về phía Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu người đứng đầu bảo hiểm xã hội các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế đảm bảo ngay việc cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân nói chung và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế nói riêng; tuyệt đối không để người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng.

“Hai bên cần tham gia có hiệu quả vào quá trình lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc tại các hội đồng đấu thầu nhằm lựa chọn nhà thầu đủ năng lực cung ứng thuốc đảm bảo chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu điều trị theo hướng dẫn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam," ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay./.

Mời độc giả đón đọc toàn bộ loạt bài:

Bài 1: Người bệnh và nỗi lo “trả tiền” cho quyền lợi chính đáng

Bài 2: Người dân thiếu thuốc, bệnh viện 'sợ sai': Nguyên nhân là tại cơ chế?

Bài 3: Sợ “bóng ma” tham nhũng: Khi người làm quản lý phải nhìn nhận lại

Bài 4: Giải bài toán thuốc, vật tư y tế: Cần hành lang pháp lý phù hợp

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục