Công bố kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya

Các mục tiêu trong kế hoạch nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya bao gồm duy trì đoàn kết dân tộc, loại bỏ nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, chấm dứt tình trạng chia rẽ...
Công bố kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya ảnh 1Binh sỹ Libya gác tại một chốt kiểm soát ở Đông Nam thủ đô Tripoli ngày 4/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/7, Hội đồng Tổng thống Libya đã công bố kế hoạch mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở nước này, đồng thời xác nhận sẽ tiến hành các cuộc tham vấn khẩn cấp với các đảng chính trị để đạt được đồng thuận về kế hoạch này.

Tuyên bố của hội đồng trên nêu rõ: "Hội đồng Tổng thống đã tiến hành một số cuộc họp giữa các thành viên, theo đó đã nhất trí khuôn khổ chung cho một kế hoạch hành động nhằm giải quyết bế tắc chính trị trong nước."

Theo tuyên bố, các mục tiêu trong kế hoạch này bao gồm duy trì đoàn kết dân tộc, loại bỏ nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, chấm dứt tình trạng chia rẽ, củng cố nền hòa bình hiện nay, tránh gây hỗn loạn, hạn chế sự can thiệp của nước ngoài và thúc đẩy một giải pháp quốc gia cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Tuyên bố cũng nêu rõ: "Phó Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Abdullah Allafi đã được chỉ định tiến hành các cuộc tham vấn khẩn cấp với các đảng chính trị để đạt được đồng thuận về chi tiết của kế hoạch và biến các chi tiết này thành lộ trình với những giai đoạn và mốc rõ ràng, chấm dứt các giai đoạn chuyển tiếp thông qua các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong một khung thời gian cụ thể."

Trong vài ngày qua, tại một số thành phố ở Libya đã diễn ra các cuộc biểu tình bày tỏ thất vọng về tình hình chính trị và kinh tế hiện nay ở nước này.

Trước đó, các lãnh đạo của Quốc hội Libya có trụ sở ở miền Đông và Hội đồng cấp cao Nhà nước Libya có trụ sở ở Tripoli không đạt được thỏa thuận về việc tổ chức các bầu cử trong cuộc đàm phán do Liên hợp quốc làm trung gian tại Geneve ngày 30/6.

Một tuần trước đó, hai bên cũng đã tiến hành đàm phán tại thủ đô Cairo của Ai Cập nhằm thống nhất cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử quốc gia. Tuy nhiên, đàm phán kết thúc mà không đạt được bước đột phá nào.

[Các bên đối địch ở Libya không đạt được thỏa thuận về vấn đề bầu cử]

Theo kế hoạch ban đầu, bầu cử tổng thống và quốc hội Libya đáng lẽ diễn ra vào tháng 12/2021, mở màn cho tiến trình hòa bình tại quốc gia này. Tuy nhiên, bầu cử đã không thể diễn ra do những tranh cãi về các ứng cử viên và nguyên tắc bỏ phiếu.

Căng thẳng chính trị leo thang kể từ tháng Ba, sau khi Quốc hội có trụ sở ở miền Đông chỉ định bổ nhiệm ông Fathi Bashagha làm thủ tướng mới thay thế người đứng đầu Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) Abdul Hamid Dbeibah với lý do nhiệm kỳ của ông Dbeibah đã kết thúc. Tuy nhiên, ông Dbeibah từ chối chuyển giao quyền lực khi chưa tiến hành bầu cử.

Libya đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011. Mâu thuẫn về quyền kiểm soát chính phủ cũng như về một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột bạo lực kéo dài đang tiếp tục đe dọa đẩy Libya trở lại tình trạng chia rẽ chính quyền và nội chiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục