Công nhân may mặc bị nợ hàng chục triệu USD tiền trợ cấp

Hàng chục nghìn công nhân may mặc bị sa thải khi dịch COVID-19 tàn phá ngành may mặc trên thế giới, khiến số đơn đặt hàng của các nhà máy lao dốc; nợ hàng triệu USD tiền trợ cấp.
Công nhân may mặc bị nợ hàng chục triệu USD tiền trợ cấp ảnh 1Công nhân làm việc tại một xưởng may ở Ashulia của Bangladesh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hàng chục nghìn công nhân may mặc đã bị sa thải khi đại dịch COVID-19 tàn phá ngành may mặc trên toàn cầu, khiến số đơn đặt hàng của các nhà máy lao dốc.

Không những thế, những công dân này còn bị nợ hàng triệu USD tiền trợ cấp thôi việc trong bối cảnh nhiều người đang phải chật vật để nuôi sống gia đình.

Theo một nghiên cứu được Hiệp hội Quyền lợi người lao động (WRC) có trụ sở tại Mỹ công bố ngày 6/4, hiện có 31 nhà máy dệt may cung cấp cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới đã nợ 40.000 công nhân bị sa thải khoảng 40 triệu USD tiền trợ cấp thôi việc.

Kết luận này dựa trên số liệu của 400 nhà máy đã đóng cửa hoặc phải sa thải hàng loạt tại 18 quốc gia trong đại dịch COVID-19.

WRC cũng tìm thấy bằng chứng ban đầu cho thấy các công nhân tại 210 nhà máy khác đã không được trả lương, song không thể tiến hành điều tra thêm để xác nhận vấn đề bất cập này.

Gọi những phát hiện mới nhất trên là "phần nổi của tảng băng trôi," WRC ước tính các công nhân may mặc tại các nhà máy trên thế giới có thể mất ít nhất 500 triệu USD tiền trợ cấp mất việc trong đại dịch COVID-19.

Theo quy định pháp lý, các nhà sản xuất tại các quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn có trách nhiệm bồi thường cho người lao động nếu họ bị sa thải vô cớ. Tuy nhiên, các nhà vận động cho rằng người lao động thường là đối tượng phải gánh chịu hậu quả khi các thương hiệu đột ngột hủy đơn đặt hàng.

Năm ngoái, các công ty thời trang đã hủy hàng loạt đơn hàng trị giá hàng tỷ USD trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều cửa hàng thời trang trên thế giới phải đóng cửa, dẫn tới thiệt hại về tiền lương lên tới ít nhất là 3,2 tỷ USD.

[Dịch COVID-19: Công nhân may mặc toàn cầu mất gần 6 tỷ USD thu nhập]

Mặc dù các đơn hàng đã tăng lên vào nửa cuối năm 2020, một số thương hiệu phương Tây yêu cầu giảm giá và trì hoãn thanh toán cho các nhà cung cấp vốn đang phải "bấu víu" vào mọi đơn hàng để tồn tại.

Trong một tuyên bố, bà Liana Foxvog, Giám đốc Xử lý khủng hoảng thuộc WRC và cũng là tác giả chính của báo cáo, nhấn mạnh một số công nhân may mặc đã phải chờ đợi cả năm để được nhận trợ cấp thôi việc, khiến họ không có đủ điều kiện tài chính để nuôi con.

Thực trạng những khoản trợ cấp thôi việc bị "đánh cắp" vốn đã tồn tại lâu nay lại nghiêm trọng hơn trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành.

Tháng trước, một liên minh bảo vệ quyền con người đã kêu gọi các thương hiệu ký một thỏa thuận ràng buộc với các liên đoàn nhằm thiết lập một quỹ dành cho người lao động bị thôi việc trên toàn cầu. Theo đó, các thương hiệu chỉ mất chưa đến 10 xu/1 chiếc áo phông.

Bà Foxvog đã bày tỏ sự ủng hộ về phương án trên, cho rằng đây là cách duy nhất để buộc các nhà tuyển dụng và các thương hiệu thời trang có trách nhiệm, cũng như đảm bảo rằng công nhân ngành may mặc được hưởng quyền lợi trợ cấp thôi việc theo quy định. 

Mohammad Akash, một công nhân may mặc người Bangladesh đã bị mất việc hồi tháng 12/2020, phàn nàn đến nay vẫn chưa nhận được 425 USD tiền trợ cấp thôi việc.

Tài chính eo hẹp khiến người đàn ông 35 tuổi này phải đi làm đủ mọi nghề để kiếm sống và nuôi gia đình.

Anh cho biết: "Cách đây một tuần, tôi đã được nhận vào làm tại một nhà máy may mặc địa phương. Nhưng bây giờ nhà máy bị đóng cửa vì lệnh phong tỏa mới. Tôi lo lắng sẽ mất nốt công việc này"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục