Ngày 10/9, nhà sinh học thần kinh của Đại học Harvard (Mỹ) Catherine Dulac đã giành giải thưởng Đột phá 2020 - vốn được ví như "giải Nobel khoa học" nhờ công trình nghiên cứu phát hiện ra hệ mạch thần kinh trong não bộ của chuột có khả năng chăm sóc con cái, đặt nền tảng cho các cuộc nghiên cứu sâu hơn đối với các động vật có vú khác, trong đó có con người.
Bà Dulac, 57 tuổi, nằm trong số 7 nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học đời sống, toán học và vật lý cơ bản, đã đoạt giải thưởng Đột phá 2020. Mỗi người đoạt giải sẽ được nhận 3 triệu USD, cao gấp 3 lần so với giải uy tín Nobel.
Bà Dulac, giáo sư tại Đại học Harvard đồng thời làm việc tại Viện Y tế Howard Hughes, đã tiến hành nghiên cứu lý do chuột mẹ chăm sóc chuột con theo bản năng trong khi chuột đực có xu hướng tấn công con mình, tùy thuộc vào hoàn cảnh - hành vi này được thể hiện rõ ở những con chuột đực chưa qua giao phối.
[Lễ trao giải thưởng Nobel 2020 sẽ diễn ra theo hình thức mới]
Công trình nghiên cứu của bà Dulac cho thấy các mạch thần kinh chi phối hành vi này đều có ở trong não bộ của cả chuột đực và chuột cái. Tuy nhiên, những thay đổi về hoócmôn có thể kích hoạt "tắt, bật" hành vi chăm sóc con cái này.
Đó là lý do giải thích tại sao chuột đực trước đây từng giết chuột con lại có xu hướng yêu con mình khi được làm bố, cũng như việc chuột mẹ có thể giết con mình nếu bị trầm cảm.
Theo Giáo sư Dulac, từ phát hiện này, các nhà khoa học có thể tiến hành nghiên cứu sâu hơn đối với các loài khác, trong đó có con người.
Giải thưởng Đột phá được tỷ phú Nga-Israel Yuri Milner thành lập từ năm 2012 và sau được nhiều doanh nhân trong ngành công nghệ ủng hộ.
Giải thưởng này do Tạp chí tên tuổi Popular Mechanics của Mỹ bình chọn hằng năm để ghi nhận công lao của các nhà khoa học trong lĩnh vực vật lý cơ bản, toán học và khoa học sự sống. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch, lễ trao giải thưởng được hoãn lại tới ngày 21/3/2021./.