Công ước về bắt giữ tàu có hiệu lực vào tháng Chín

Công ước Quốc tế về bắt giữ tàu, được Hội nghị ngoại giao của Tổ chức Hàng hải quốc tế và LHQ thông qua năm1999, sắp có hiệu lực.
Công ước Quốc tế về bắt giữ tàu - được Hội nghị ngoại giao của Tổ chức Hàng hải quốc tế và Liên hợp quốc thông qua ngày 12/3/1999 - sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 14/9/2011 sau khi được nước thứ 10 là Albani phê chuẩn.

Công ước nói trên, hiện đang được lưu giữ tại Geneva dưới sự bảo trợ của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), sẽ thay thế Công ước Brussels về bắt giữ tàu đang vận hành trên biển được thông qua năm 1952 và có hiệu lực ở 77 nước.

Liên hợp quốc nhấn mạnh bắt giữ tàu là vấn đề quan trọng đối với cộng đồng thương mại và vận tải hàng hải quốc tế. Trong khi chủ tàu và chủ hàng hóa cần được đảm bảo các lợi ích thương mại hợp pháp của họ không bị gián đoạn bởi các yêu sách bắt giữ tàu phi lý, các nhà yêu cầu bắt giữ tàu đòi hỏi bảo vệ pháp lý đối với các yêu sách của họ. Công ước mới sẽ cân bằng lợi ích của chủ tàu, chủ hàng hóa và của các nhà yêu cầu bắt giữ tàu thông qua cách thức tiếp cận triệt để với các hệ thống pháp lý liên quan.

Công ước mới cũng nâng cấp và cập nhật các nguyên tắc của Công ước năm 1952, trong đó có các vấn đề như yêu sách nào có thể thực hiện bắt giữ tàu, loại tàu nào có thể bị bắt giữ, các điều kiện để trả tự do cho tàu bị bắt giữ, quyền tái bắt giữ và bắt giữ nhiều lần, trách nhiệm đối với việc bắt giữ sai, quyền tài phán về sự đúng đắn của một yêu sách bắt giữ tàu.

Các quy chế của Công ước quốc tế mới về bắt giữ tàu được áp dụng cho tất cả các tàu thuộc quyền sở hữu của một quốc gia, dù tàu đó đang vận hành hoặc không vận hành trên biển, có hoặc không treo cờ quốc gia đó.

Liên hợp quốc lưu ý các nước cần tuyên bố từ bỏ Công ước 1952 để tránh những chồng lấn giữa hai công cụ pháp lý quốc tế này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục