COP28: Tranh cãi về phát triển năng lượng hạt nhân thay thế nhiên liệu hóa thạch

Hơn 20 nước kêu gọi đến năm 2050 tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân so với mức của năm 2020. Điều này gây nhiều tranh cãi do lo ngại tính an toàn và việc xử lý chất thải hạt nhân.

Nhà máy điện hạt nhân Isar ở Essenbach (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhà máy điện hạt nhân Isar ở Essenbach (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hơn 20 quốc gia đã hối thúc tăng gấp ba lần công suất sử dụng năng lượng hạt nhân để giảm lượng khí thải khiến Trái Đất ấm lên.

Các nước đã đưa ra lời kêu gọi trên ngày 2/12 - ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Khí hậu Thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) tại Dubai (Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất - UAE).

Việc sử dụng năng lượng hạt nhân như một giải pháp thay thế sạch hơn cho nhiên liệu hóa thạch đang gây nhiều tranh cãi vì các nhà hoạt động môi trường lo ngại tính an toàn và việc xử lý chất thải hạt nhân.

Tuy nhiên, hơn 20 quốc gia, trong đó có nước chủ nhà UAE, Mỹ, Nhật Bản, Ghana và một số nước châu Âu, đã ra tuyên bố khẳng định giải pháp này có “vai trò quan trọng” trong việc đạt được mục tiêu toàn cầu là trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này.

Các nước kêu gọi đến năm 2050 tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân so với mức của năm 2020.

Phát biểu tại COP28, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry nêu rõ các chứng cứ khoa học và thực tế cho thấy thế giới không thể đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 nếu không sử dụng năng lượng hạt nhân.

Trong khi đó, ông Rafael Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho rằng sẽ là một sai lầm nếu từ chối năng lượng hạt nhân chỉ vì các vấn đề ở một số dự án.

Phát biểu tại COP28, ông thừa nhận “có nhiều việc phải làm,” đơn cử như nhu cầu tài chính của các quốc gia muốn mở rộng các cơ sở hạt nhân của mình như Brazil, Argentina và Nam Phi.

Ngoài ra, các nước muốn thực hiện bước nhảy vọt về hạt nhân, bao gồm Maroc, Senegal, Kenya và Philippines, đều phải đối mặt với những thách thức tương tự.

Quan chức IAEA cho biết thêm có những quy định ở một số tổ chức cho vay quốc tế loại trừ việc tài trợ cho phát triển năng lượng hạt nhân. Ví dụ, Ngân hàng Thế giới đã không tài trợ cho một dự án hạt nhân nào kể từ năm 1959.

Với những người ủng hộ, năng lượng nguyên tử là nguồn năng lượng thiết yếu và đáng tin cậy, không phát thải.

Trong khi đó, phía phản đối dẫn lại sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản hồi năm 2011 và nêu bật những quan ngại về năng lượng nguyên tử.

Ngoài ra, còn các yếu tố rủi ro và chi phí cao cho các dự án hạt nhân lớn vào thời điểm giá năng lượng tái tạo tiếp tục giảm.

Bên cạnh vấn đề về phát triển năng lượng hạt nhân, các nước tham gia COP28 kỳ vọng Hội nghị sẽ thông qua mục tiêu tăng gấp ba sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục