'Cột mốc' mới trong quan hệ thương mại Mỹ-Nhật Bản

Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với 7 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ, trong đó có lúa mỳ, lúa mạch... Đổi lại, Mỹ giảm thuế nhập khẩu đối với 40 triệu USD hàng nông sản của Nhật.

Giữa bối cảnh “thương chiến” Mỹ-Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết trong khi Mỹ và EU đứng trước nguy cơ xảy ra cuộc chiến thuế quan mới, Mỹ mới đây đã đón nhận một thông tin tích cực trong lĩnh vực thương mại khi vào ngày 7/10 vừa qua, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Shinsuke Sugiyama và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã chính thức ký kết thỏa thuận thương mại hẹp giữa hai nước về nông sản và các sản phẩm kỹ thuật số tại Nhà Trắng.

Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với 7 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ, trong đó có lúa mỳ, lúa mạch, thịt bò và thịt lợn. Đổi lại, Mỹ giảm thuế nhập khẩu đối với 40 triệu USD hàng nông sản của Nhật Bản và nới lỏng hạn ngạch thuế quan đối với thịt bò của nước này, cho phép Nhật Bản cạnh tranh để có được thị phần lớn hơn tại thị trường Mỹ.

Trong một thỏa thuận khác, các quan chức hai nước cũng nhất trí dỡ bỏ thuế đánh vào các sản phẩm kỹ thuật số như video, âm nhạc và sách điện tử, cũng như đảm bảo rằng việc chuyển dữ liệu sẽ không gặp phải rào cản, cam kết mở cửa thị trường đối với số sản phẩm có trị giá 40 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đây là ngày thắng lợi đối với người nông dân Mỹ, khi thông báo hai thỏa thuận thương mại vừa được ký kết mà ông nói sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Ông Trump khẳng định thỏa thuận sẽ trở thành một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi cho những người nông dân và các chủ trang trại gia súc của Mỹ, mang đến cho họ quyền tiếp cận được nâng cao đáng kể với một thị trường nước ngoài then chốt.

[Mỹ và Nhật ra tuyên bố chung về kế hoạch tham vấn thương mại ]

Theo thỏa thuận về nông sản, Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với số thịt bò và thịt lợn trị giá 2 tỷ USD của Mỹ, bằng mức tiếp cận được dành cho 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Việc Mỹ rút khỏi TPP đã đặt người nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm của nước này vào thế bất lợi tại thị trường Nhật Bản trước các đối thủ đến từ Australia, New Zealand và Canada, và hiệp định vừa ký với Nhật Bản sẽ tạo ra một sân chơi công bằng cho nông dân Mỹ.

Các thỏa thuận trên đã được thông báo chính thức vào tháng trước, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Thỏa thuận thương mại hẹp không giải quyết những bất đồng giữa hai nước liên quan đến ôtô. Tổng thống Mỹ cho biết hai nước sẽ tiếp tục đàm phán để đạt một thỏa thuận toàn diện.

Trong tháng trước, các quan chức Nhật Bản cũng cho biết Mỹ đã cam kết không áp thuế lên ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản, một tuyên bố mà ông Trump đưa ra từ năm ngoái đối với các đối tác thương mại lớn.

Trước đó, theo số liệu thống kê gần đây của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Nhật Bản trong tháng 5/2019 giảm 26,1% so với tháng trước đó xuống còn 5,35 tỷ USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục