"Cuộc chiến" cấm vận khiến túi tiền của người dân Nga teo tóp

Theo Học viện Kinh tế Quốc gia Nga, thu nhập của người dân tiếp tục giảm sút và họ buộc phải tằn tiện chi tiêu, cắt giảm các nhu cầu, song vẫn không thể co kéo sao cho đủ.
"Cuộc chiến" cấm vận khiến túi tiền của người dân Nga teo tóp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Độc lập)

Báo Độc lập của Nga ra ngày 3/3 lại tiếp tục đăng tải bài viết trên, sau khi trước đó một ngày báo này cho biết: "cuộc chiến" trừng phạt cấm vận đã gây thiệt hại 400 tỷ ruble của người dân.

Điều tra của các nhà xã hội học cho thấy người Nga chưa thể thích nghi được với cuộc khủng hoảng hiện nay. Thu nhập của người dân tiếp tục giảm sút và họ buộc phải tằn tiện chi tiêu, cắt giảm các nhu cầu, song vẫn không thể co kéo sao cho đủ. Đây là kết luận được công bố chiều 2/3 tại Học viện Kinh tế Quốc gia Nga.

Các nhà nghiên cứu đồng thời cũng cảnh báo nguy cơ gia tăng căng thẳng xã hội. Những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng này đã xuất hiện ở nhiều khu vực, nơi người lao động đình công phản đối nợ lương. Trong khi đó, nguy cơ mất việc cũng là một mối lo tiềm ẩn không thể bỏ qua.

Các thành viên nội các Nga cho rằng Nga đang chạm đáy của cuộc khủng hoảng, trong khi bản thân người dân Nga lại cho rằng cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn và chưa rõ những khó khăn gì còn chờ đợi phía trước.

Các cuộc điều tra tâm lý xã hội do Học viện Kinh tế Quốc gia Nga tiến hành trong suốt năm qua cho thấy tính đến thời điểm cuối năm 2015, có tới 75% số người Nga, dù ít, dù nhiều, thừa nhận bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Họ phải đối mặt với việc cắt giảm lương, nợ lương hoặc bị sa thải.

Người Nga cho biết họ sẽ tiết kiệm chi tiêu, sẽ cố gắng trang trải bằng tiền tiết kiệm... Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là người dân sẽ tồn tại ra sao khi hết tiền tiết kiệm, mà thu nhập thực tế thì... bao giờ cho đến ngày xưa?

Tờ báo cũng phản ảnh một thực tế đáng lo ngại sẽ gia tăng căng thẳng xã hội, khi nhiều giáo viên, nhân viên và công nhân đình công, phản đối tình trạng nợ lương. Ngoài các vụ đình công lẻ tẻ, Viện Xã hội Nga cũng đã nhận được hàng nghìn đơn thư của người lao động phản ánh tình trạng không được thanh toán lương.

Thế nhưng, nợ lương không phải là vấn đề duy nhất. Một số chủ sử dụng lao động tìm cách giảm bớt gánh nặng khủng hoảng bằng cách buộc người lao động chuyển sang làm việc bán thời gian. Đây cũng là một "phương thức" cắt giảm thu nhập của người dân và tệ hơn nữa nó làm mất niềm tin của họ vào tương lai.

Ngày 1/3 vừa qua, Bộ trưởng Lao động Nga Maxim Topilin thông báo con số đáng lo ngại - gần 500.000 người lao động Nga đang đứng trước nguy cơ bị sa thải, trong đó gần 300.000 người đang làm việc bán thời gian, trước hết là những công nhân xây dựng và chế tạo ôtô. Đó là chưa kể 200.000 người đã bị sa thải từ trước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tình hình đã được kiểm soát. Và dường như để trấn an người dân, ông nhắc lại cuộc khủng hoảng năm 2009, số người bị đẩy vào cảnh làm việc bán thời gian lên tới 1,5 đến 1,7 triệu người.

Chiều 2/3, Phó Thủ tướng Nga Olga Golodets cũng thừa nhận tình trạng thất nghiệp đang hết sức nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ khiến thu nhập của người dân sụt giảm, mà còn kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, bài báo ghi nhận sự quan ngại của các chuyên gia Nga khi đưa ra các mô hình giúp thích ứng với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dễ dàng thích ứng, chuyển đổi hình thức tiết kiệm, đầu tư hoặc với sự hỗ trợ của nhà nước, tự kinh doanh nhỏ lẻ. Trong khi đó thu nhập thực tế và những đồng tiền chắt chiu của người dân vẫn đang không cánh mà bay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục