Cuộc "hỗn chiến" của các đại gia di động Campuchia

Với 4,3 triệu thuê bao, cuộc cạnh tranh "miếng bánh" thị phần của 9 nhà cung cấp dịch vụ di động ở Campuchia đã trở trên khốc liệt.
Cuộc "hỗn chiến" giá cước suốt một năm qua trên thị trường di động Campuchia có vẻ như đã tạm lắng dịu sau khi chính phủ nước này ấn định biểu cước tối thiểu mà các nhà điều hành mạng phải áp dụng với các thuê bao.

Với 4,3 triệu thuê bao (trên tổng dân số khoảng 14,8 triệu người) thì cuộc cạnh tranh "miếng bánh" thị phần của 9 nhà cung cấp dịch vụ đã ở trên mức khốc liệt.

Nghị định (Prakas) mới về giá cước và hạn chế các hình thức khuyến mại là một quyết định mạnh mẽ của chính phủ Campuchia, nhưng cũng chỉ ở mức "chữa cháy".

Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông So Khun thú nhận rằng đây là hành động can thiệp "cực chẳng đã" sau khi tất cả các nỗ lực hòa giải tranh chấp giá cước và cuộc gọi liên mạng đều thất bại. Khi tốc độ tăng trưởng ngành viễn thông Campuchia tăng vọt cũng là lúc những bất cập và lỗ hổng pháp lý ngày một bộc lộ.

Chung sống hài hòa

Tính đến tháng 8/2009, trên thị trường Campuchia đã xuất hiện 9 nhà cung cấp dịch vụ di động gồm Mobitel, Hello GSM, Mfone, qb, Star-Cell,Excel, Metfone, Smart Mobile, và Beeline.

Cả chín nhà điều hành mạng tại Campuchia "nín thở" chờ đợi bản thông báo chung sau cuộc họp liên bộ lần chót tuần qua giữa Bộ trưởng Bưu chính-Viễn thông So Khun và Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Keat Chhon.

Các "thượng đế" có thể sẽ là bên hưởng lợi nhiều nhất nhờ nghị định này, bởi thông báo của Bộ trưởng So Khun khẳng định sẽ nghiêm cấm hành vi ngăn chặn cuộc gọi liên mạng của các hãng đang chiếm đa số thị phần, đó là nỗi bực mình của tất cả những ai từng sử dụng dịch vụ điện thoại di động tại đất nước Chùa tháp thời gian qua.

Theo các điều khoản của nghị định này, nhà điều hành mạng không được phép chào mức cước dưới 0,045 USD/phút (chưa tính thuế). Giá cước gọi liên mạng, một trong những vấn đề gây tranh cãi suốt một năm qua giữa các hãng cạnh tranh, được ấn định ở mức không dưới 0,0595 USD/phút.

Nghị định cũng nêu rõ những hãng nào có hành vi ngăn chặn cuộc gọi từ các nhà điều hành khác có thể bị tước giấy phép kinh doanh và buộc phải đền bù cho tất cả những bên thiệt hại và chính phủ. "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng tất cả các nhà điều hành mạng phải biết cách chung sống hài hòa với nhau", Bộ trưởng So Khun kết luận.

Tuy nhiên, Prakas của Bộ Bưu chính-Viễn thông Campuchia cũng cho phép các hãng di động được áp dụng các mức giảm giá cước và cuộc gọi miễn phí trong thời gian khuyến mãi với sự cho phép của Bộ này.

Cuộc chiến tổng lực

Đầu tháng 10/2009 là thời điểm cuộc "hỗn chiến" di động tại Campuchia lên tới đỉnh điểm sau khi các nhà điều hành mạng như Mobitel hay Beeline liên tục đăng tải các thông cáo báo chí phân trần sự "nghiêm túc và đàng hoàng'' trong kinh doanh, đồng thời ''tố cáo'' hành vi phá giá thị trường của các đối thủ.

Trước đó khoảng một tháng, hãng Beeline cáo buộc Mobitel cố tình chặn các cuộc gọi từ mạng này sang các thuê bao của Mobitel. Tuy nhiên, chính Mobitel cũng cáo buộc Beeline phá giá thị trường bằng cách tính cước dưới mức trung bình cho các cuộc gọi từ mạng Beeline sang mạng di động khác.

Đặc biệt là sau khi Beeline tung ra gói cước “Super Zero” miễn phí cho các cuộc gọi nội mạng từ giây đầu tiên tới phút thứ 15.

Tờ "Phnom Penh Post" dẫn lời một số chuyên gia cho rằng khá nhiều công ty trong khu vực này đã đứng đằng sau Mobitel trong chiến dịch công kích chiến lược phá giá "hiếu chiến" của Beeline. Hello, qb và Smart Mobile nhất loại ký vào lá thư chung gửi Bộ Bưu chính-Viễn thông Campuchia đòi Bộ này phải xử lý hành vi "chơi xấu" của Beeline.

Nhiều nhà phân tích ví von thị trường viễn thông Campuchia nói chung và thị trường dịch vụ di động nói riêng như dàn giao hưởng với đủ loại bè, nhưng hoàn toàn thiếu vắng một nhạc trưởng. Một số hãng mới chen chân vào thị trường Campuchia không ngần ngại giành giật "thượng đế" bằng mọi chiến thuật, mọi biện pháp.

Các phương tiện truyền thông cũng ngẫu nhiên trở thành công cụ cho cuộc chiến cạnh tranh dịch vụ di động tại Campuchia.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Indochina Research, trong số 10 công ty đăng quảng cáo nhiều nhất trên các báo in ở Campuchia trong 8 tháng đầu năm 2009, có tới 7 công ty dịch vụ di động. Tương tự, trong bảng xếp hạng này của năm 2008, các công ty dịch vụ di động cũng chiếm 4 vị trí dẫn đầu.

Indochina Research cũng cho biết khu vực di động cũng chiếm 6/10 vị trí dẫn đầu về mức chi tiêu rất "đậm" cho quảng cáo trên truyền hình.

Mobitel - hãng di động chiếm thị phần lớn nhất Campuchia hiện nay - hiện có đa số cổ phần thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Kith Meng, một cố vấn kinh tế của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Báo chí Campuchia cho biết vào cuối năm nay, nhiều khả năng Kith Meng sẽ nắm quyền sở hữu hoàn toàn Mobitel nếu như tập đoàn Royal Group của ông này chi đủ 346 triệu USD cần thiết để mua lại toàn bộ các cổ phiếu Mobitel từ tay của Millicom International.

Mưa lâu thấm đất

Metfone Viettel có thể được xem là một hiện tượng trong làng dịch vụ di động Campuchia bởi chỉ 8 tháng sau thời điểm chính thức khai trương (tháng 2/2009), hãng này đã đạt con số hơn 2 triệu khách thuê bao, và trở thành nhà điều hành mạng di động lớn thứ nhì tại quốc gia này.

Tổng Giám đốc Metfone Nguyễn Duy Thọ cho rằng trên thực tế, họ có khoảng 2,5 triệu thuê bao, và 2/3 trong số này sử dụng thường xuyên dịch vụ của Metfone.

Nếu Mobitel chỉ tập trung khai thác các thành phố lớn của Campuchia, thì Metfone sử dụng chiến lược "mưa lâu thấm đất" với 5.000 trạm truyền phát (BTS) len lỏi vào từng huyện thị nông thôn, vùng sâu vùng xa quốc gia Đông Nam Á này. Tỷ lệ phủ sóng các khu vực có cư dân tại Campuchia của Metfone đạt 90%.

Theo quy luật tự nhiên, sẽ tới một thời điểm thị trường trở nên bão hòa và khi đó, sự hợp nhất là cần thiết cho thị trường Campuchia. Nhiều chuyên gia cho rằng với số lượng từ 3-4 nhà điều hành mạng di động là thích hợp cho quy mô thị trường đất nước Chùa Tháp./.

Trần Long (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục