Cựu chiến binh Sư đoàn 304 tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng

Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 304 đã tổ chức hội nghị gặp mặt ôn lại truyền thống đơn vị; tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân các liệt sỹ.
Cựu chiến binh Sư đoàn 304 tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng ảnh 1Sư đoàn 304 tặng quà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 19/4, tại thành phố Thái Bình, Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 304 đã tổ chức hội nghị gặp mặt ôn lại truyền thống đơn vị; tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân các liệt sỹ đã chiến đấu hy sinh của Tiểu đoàn 440 Bà Rịa-Long Khánh.

Dự buổi gặp mặt có ông Lê Khả Phiêu, nguyên Chính ủy Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Đại diện Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình; đại diện Viện lịch sử Quân sự Việt Nam; Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai; Anh hùng lực lượng vũ trang; Mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân các gia đình liệt sỹ.

Các đại biểu đã ôn lại truyền thống của Sư đoàn nói chung, khẳng định giá trị, đóng góp tích cực của Tiểu đoàn 440 trong sứ mệnh lịch sử của đất nước.

Ngày 9/2/1950, Tổng tư lệnh kiêm Tổng chính ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Đại đoàn 304, đại đoàn chủ lực thứ 2 của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mang tên “Đại đoàn Quang Vinh.”

Đầu tháng 3/1950, lễ thành lập Sư đoàn 304 được tổ chức tại đình Tam Lạc, xã Xuân Thọ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa với 3 trung đoàn chủ lực: Trung đoàn 9, có bí danh “Trung đoàn Quang Trung”; Trung đoàn 57, tiền thân là “Chi đội Đội Cung” của tỉnh Nghệ An; nay là Trung đoàn 24; Trung đoàn 66 với bí danh “Trung đoàn chủ lực Ký Con.”

Qua những năm tháng chiến đấu trong gian lao, lửa đạn, Sư đoàn 304 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là một đơn vị chủ lực mạnh cửa Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 9/1965, ba Trung đoàn của Sư đoàn 304 tách khỏi sư đoàn đi làm nhiệm vụ ở các chiến trường khác nhau. Lúc này, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Sư đoàn 304B. Tháng 9/1965, Sư đoàn 304B đồng loạt tuyển quân tại 3 tỉnh Thái Bình, Nam Hà và Hưng Yên. Trung đoàn 9 được tuyển quân tại Thái Bình, được đặt tên “Trung đoàn Vĩnh Thái,” thể hiện tình gắn bó keo sơn giữa nhân dân tỉnh Thái Bình và nhân dân tỉnh Vĩnh Long kết nghĩa.

Tháng 2/1967, Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn Vĩnh Thái cùng với một số đơn vị trực thuộc của Trung đoàn lấy phiên hiệu là Đoàn 211; sau hơn 5 tháng vượt dốc, băng rừng hành quân vào bổ sung cho chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Đến đây, Tiểu đoàn 2 được đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 440.

Trong thời gian chiến đấu trên địa bàn Bà Rịa-Long Khánh khốc liệt thuộc cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn, chiến sỹ Tiểu đoàn 440 đã bất chấp gian nguy, anh dũng chiến đấu, hy sinh và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ...

Sau chiến tranh, trong cuộc sống đời thường, dù sống ở mọi miền của Tổ quốc, người chiến sỹ Sư đoàn 304 nói chung, Tiểu đoàn 304 nói riêng vẫn luôn nêu cao phẩm chất của người lính và tự hào về truyền thống vẻ vang của đơn vị mình.

Nhân dịp này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trao tặng số tiền 900 triệu; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trao 200 triệu tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân liệt sỹ Tiểu đoàn 440./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục