Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, đến ngày 8/2, tình hình sức khỏe của bé N.H.G (18 ngày tuổi, tạm trú tại xã Hóa An, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) bị dị tật bẩm sinh, tắc tá tràng đã qua cơn nguy kịch, dần hồi phục. Bé bú sữa tốt, tiêu hóa bình thường, có tăng cân.
Trước đó, ngày 24/1, bé N.H.G (khi đó mới được 2 ngày tuổi) nhập viện trong tình trạng sụt cân nhiều, nôn ói dịch vàng, sau đó chuyển sang dịch màu xanh.
Qua kiểm tra kết hợp với kết quả siêu âm, X.quang, các bác sỹ phát hiện trong dạ dày bệnh nhi có dịch màu xanh rêu lượng nhiều, 2 quai ruột nổi trên thành bụng, có hiện tượng tắc ruột và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.
[Cứu sống bệnh nhi bị tan máu cấp nghi do ngộ độc thịt bò khô]
Khi tiến hành phẫu thuật, các bác sỹ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai phát hiện bệnh nhi N.H.G có dị dạng màng ngăn ở đoạn cuối tá tràng khiến lòng ruột bị bít tắc, làm giãn to tá tràng lên 3,5cm (lớn gấp 3 lần so với bình thường). Do đó, các bác sỹ đã phải cắt bỏ màng ngăn, nối lại tá tràng và tái lập đường lưu thông cho đường tiêu hóa.
Theo bác sỹ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật, gây mê, hồi sức - Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, tắc tá tràng là dị tật rất hiếm gặp, chỉ có tỉ lệ 1/2.500 ca sinh. Đối với bệnh này, nếu không điều trị kịp thời để trẻ bị tắc đường tiêu hóa, ói mất dịch, sụt cân lâu ngày, trẻ sẽ bị rối loạn điện giải, sốc, co giật, rất khó cứu chữa.
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khuyến cáo người dân, đặc biệt là những bà mẹ có con nhỏ nên chú ý, theo dõi trẻ nhằm phát hiện bệnh kịp thời. Để sớm phát hiện dị tật này có thể siêu âm trước sinh và chú ý khi có dấu hiệu trẻ ói dịch màu xanh rêu sau sinh, để có kế hoạch điều trị tốt./. Lê Xuân