Đà Nẵng đảm bảo an toàn cho giao nhận hàng hóa thiết yếu

Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa thiết yếu nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch.
Đà Nẵng đảm bảo an toàn cho giao nhận hàng hóa thiết yếu ảnh 1Người giao nhận hàng hóa thiết yếu khi đi qua chốt kiểm soát phải trình Thẻ nhận diện phương tiện do Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng cấp. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Toàn thành phố Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng từ 18 giờ tối 31/7.

Tất cả các phương tiện, dịch vụ chuyên chở khách, giao nhận hàng hóa đều bi tạm dừng hoạt động, trừ trường hợp vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, khi thực hiện vận chuyển các mặt hàng thiết yếu này, các doanh nghiệp, nhân viên giao hàng vẫn còn lo lắng về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho bản thân và cộng đồng.

Tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh

Từ đầu tháng 8 đến nay, anh Mai Văn Đông, nhân viên một siêu thị mini trên đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đang phải thực hiện "3 tại chỗ" tại cửa hàng. Cả cửa hàng ở phường An Hải Bắc và nhà riêng ở phường Thọ Quang đều nằm trong số 5 phường bị cách ly y tế của quận Sơn Trà nên anh Đông chọn ở lại cửa hàng để giữ được việc làm, duy trì thu nhập.

Hàng ngày, anh Đông vẫn nhận đặt hàng rau củ, thịt cá qua điện thoại và đi giao cho các khách quen gần cửa hàng nên luôn tự nhắc nhở bản thân phải tuân thủ quy định 5K để bảo vệ an toàn cho bản thân.

"Hiện giờ tôi chỉ phục vụ khách tại cửa hàng và vận chuyển lương thực, thực phẩm cho các khách quen trong phạm vi phường. Nhiều trường hợp khách đặt hàng ở xa, bên ngoài phường thì phải từ chối nhận đơn vì không được mang qua chốt kiểm dịch. Chốt kiểm dịch giữa các phường cũng là một biện pháp đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly. Tôi cũng cảm thấy an toàn hơn, vì khi hoạt động trong phạm vi nhỏ sẽ không phải tiếp xúc trực tiếp với quá nhiều người," anh Mai Văn Đông nói.

[Tổ công tác đặc biệt đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ sản xuất]

Phải di chuyển liên tục trong thời gian giãn cách xã hội, anh Nguyễn Hồng Phước, nhân viên vận chuyển gas tại một cửa hàng trên đường Lê Thị Xuyến, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cũng khá lo lắng nên luôn tự ý thức phòng ngừa dịch bệnh. Anh thường xuyên khử khuẩn tay, tránh tiếp xúc quá gần với khách hàng và liên tục theo dõi để tuân thủ các khuyến cáo, quy định của chính quyền.

Anh Phước chia sẻ, hiện giờ chính quyền thành phố đang kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động đi lại của người dân, điều này khiến anh cảm thấy yên tâm hơn, mong dịch bệnh sớm được kiểm soát. Còn công việc vẫn phải làm và đảm bảo an toàn, giãn cách xã hội.

Theo ông Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam) tại Đà Nẵng, trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng khách đặt hàng online và qua hotline tại siêu thị Mega Market Đà Nẵng tăng đột biến.

Mỗi ngày có khoảng 170 đơn hàng được đội ngũ nhân viên siêu thị vận chuyển đến khách hàng nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Hiện siêu thị đang thiếu nhân viên, có khoảng 30% nhân viên đang phải tạm nghỉ việc vì ở trong các khu cách ly y tế.

Vì vậy, để tránh việc "mất nhân viên" do tiếp xúc với các ca mắc COVID-19, siêu thị luôn đặt vấn đề an toàn trong giao nhận hàng lên hàng đầu. Tất cả nhân viên giao hàng đều tuân thủ quy định của thành phố cũng như Bộ Y tế, thường xuyên xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên, quy định 5K, luôn mang đầy đủ giấy tờ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu.

Trong trường hợp giao hàng tới các công ty có quy định về giấy xét nghiệm COVID-19 trong vòng 72 giờ, siêu thị sẽ tự chi phí để xét nghiệm cho nhân viên trước khi giao hàng.

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa thiết yếu

Về đảm bảo vận chuyển, giao nhận hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, theo Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30/7/2021 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch COVID-19, Sở Công Thương được giao nhiệm vụ lập danh sách nhân viên giao nhận hàng hóa thiết yếu bằng các phương tiện vận chuyển để gửi Sở Giao thông Vận tải để đăng ký cấp mã xác nhận.

Đà Nẵng đảm bảo an toàn cho giao nhận hàng hóa thiết yếu ảnh 2Xuất trình giấy tờ tại chốt kiểm soát. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Từ ngày 31/7, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp gồm siêu thị, siêu thị mini, chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu; cửa hàng kinh doanh gas, cửa hàng kinh doanh xăng dầu; dịch vụ cung ứng suất ăn công nghiệp khẩn trương lập danh sách nhân viên giao nhận hàng hóa gửi Sở Công Thương để tổng hợp.

Bà Lê Thị Kim Phương cho biết, tại Chỉ thị 05/CT-UBND không yêu cầu nhân viên giao nhận hàng hóa phải có Phiếu xét nghiệm COVID-19 nên khi các doanh nghiệp gửi danh sách nhân viên Sở Công Thương cũng không yêu cầu nội dung này.

Tuy nhiên, trước đó Sở đã có nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống COVID-19 đối với nhân viên, nhất là các nhân viên giao hàng.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng Lê Văn Trung, đối với vận chuyển giao nhận hàng hóa thiết yếu, dựa trên danh sách đã được Sở Công Thương thẩm định, Sở Giao thông Vận tải sẽ cấp thẻ nhận diện phương tiện để các doanh nghiệp hoạt động vận chuyển, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trong thời gian giãn cách xã hội.

Đến ngày 6/8, Sở đã cấp tổng cộng 822 thẻ nhận diện phương tiện giao nhận hàng hóa thiết yếu bằng xe môtô và 169 thẻ nhận diện phương tiện giao nhận hàng hóa thiết yếu bằng xe ôtô.

Bên cạnh việc cấp thẻ nhận diện phương tiện, Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng đã đăng tải toàn bộ danh sách gồm tên, nơi làm việc, biển số xe... của các nhân viên giao hàng được cấp thẻ lên trang thông tin điện tử của Sở để các địa phương, đơn vị quản lý, giám sát.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nhân viên giao hàng, doanh nghiệp thì dù đã được cấp thẻ nhận diện phương tiện nhưng tại một số chốt kiểm dịch vẫn không cho lưu thông.

Như trường hợp anh Mai Văn Đông, dù đã được Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng cấp thẻ nhận diện phương tiện chuyên chở hàng hóa thiết yếu nhưng anh vẫn không được đi qua các chốt kiểm dịch, không được di chuyển giữa phường trong khu cách ly y tế.

Theo bà Lê Thị Hiền, đại diện chi nhánh siêu thị Co.op Mart Sơn Trà, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, vì là siêu thị lớn trong khu vực cách ly y tế, nên người dân trong khu cách ly đặt hàng online tại siêu thị rất nhiều. Mặc dù đã có đầy đủ giấy tờ về giao nhận hàng hóa thiết yếu nhưng một số chốt kiểm soát vẫn không cho nhân viên siêu thị giao hàng qua, khiến nhiều khách hàng bức xúc vì không nhận được hàng đặt.

Hiện nay một số phường trong khu cách ly đã cho các Tổ dân phố đứng ra đặt hàng hộ người dân và phường điều xe công vụ đến siêu thị lấy hàng, đây cũng là một phương án hiệu quả giúp vận chuyển lương thực, thực phẩm đến tay người tiêu dùng.

Còn ông Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc Chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn MM Mega Market cho hay, siêu thị không nằm trong khu vực cách ly y tế nên vẫn giao hàng trên toàn thành phố. Riêng đối với các vùng cách ly y tế, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" nhân viên giao hàng của siêu thị buộc phải từ chối, hoặc chỉ có thể giao hàng đến chốt kiểm dịch và khách hàng phải tự ra nhận hàng.

Bên cạnh đó, một số chốt vẫn gây khó khăn cho nhân viên giao hàng thiết yếu đi qua vì chưa đồng bộ trong giấy tờ, thành phố Đà Nẵng có nhiều thay đổi về mẫu giấy tờ. Việc này đang khiến các doanh nghiệp mất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục.

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng tạo điều kiện để nhân viên ngành bán lẻ được ưu tiên tiêm vaccine nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị đứt gãy. Đồng thời tạo điều kiện để việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố được nhanh chóng, thuận tiện. Chúng tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng tại thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi cho các xe giao hàng đến các khu vực đang bị phong tỏa, cách ly y tế vì những khu vực này rất cần nguồn thực phẩm thiết yếu hàng ngày," ông Nguyễn Tiến Dương kiến nghị.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng xác nhận vẫn còn tình trạng người giao hàng bị yêu cầu quay xe, thu giấy tờ khi đi qua các chốt kiểm soát, khiến hàng hóa bị ứ đọng, không giao được tới tay người dân.

Sở sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố và các cơ quan quản lý có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa thiết yếu nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục