Đà Nẵng phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm

Đà Nẵng đang nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm trong lĩnh vực du lịch để khuyến khích phát triển mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch.
Đà Nẵng phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm ảnh 1Thành phố Đà Nẵng về đêm. (Ảnh: Metrip)

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng nguồn thu cho thành phố, Đà Nẵng đang tổ chức triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ vui chơi giải trí về đêm.

Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan địa phương phối hợp triển khai xây dựng, hình thành nhiều không gian, mô hình giải trí mới với trải nghiệm bãi biển “không ngủ” tại Đà Nẵng.

Kế hoạch triển khai bao gồm nhiều hoạt động mới tại tuyến đường biển Trường Sa-Võ Nguyên Giáp-Hoàng Sa và Nguyễn Tất Thành, trong đó có Khu cắm trại ban đêm, dịch vụ massage bấm huyệt bàn chân, chiếu phim trên biển.

[Thành phố Đà Nẵng hướng tới điểm đến du lịch mang tầm thế giới]

Cùng với đó là kế hoạch tổ chức Phố đêm 24/7 tại quận Ngũ Hành Sơn, kêu gọi đầu tư bãi tắm tiêu chuẩn quốc tế kết hợp dịch vụ giải trí 24/7 tại bãi biển Võ Nguyên Giáp (đoạn từ đường Ngô Thì Sĩ đến đường Nguyễn Văn Thoại) với các loại hình: bar, DJ, sân khấu dân vũ, giải khát, ẩm thực kết hợp nhạc disco, flamenco, âm nhạc đường phố, team building, ánh sáng nghệ thuật...

Thành phố cũng sẽ mở rộng, đầu tư phát triển Khu phố du lịch An Thượng dọc đường Võ Nguyên Giáp đến đường Nguyễn Văn Thoại; triển khai các hoạt động biểu diễn nghệ thuật về đêm (ca nhạc, diễu hành, trưng bày triển lãm nghệ thuật...).

Thành phố Đà Nẵng xúc tiến kêu gọi đầu tư tàu lưu trú tiêu chuẩn 4-5 sao, tàu phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí (nghệ thuật, bar...) tại vịnh Đà Nẵng.

Đồng thời, thành phố hỗ trợ nhà đầu tư hoạt động, duy trì và phát triển dịch vụ bar, cafe trên du thuyền (yacht lounge); đưa vào hoạt động Khu trình chiếu Đà Nang Dragon Dome tại đường Phạm Văn Đồng (có sức chứa 300 khách/show) với Chương trình biểu diễn nghệ thuật ánh sáng (sử dụng công nghệ 3D Mapping) về văn hóa Đà Nẵng, khu vực trưng bày sản phẩm (hiện vật liên quan đến tác phẩm, công nghệ trình chiếu...), quà lưu niệm...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đà Nẵng Lê Trung Chinh, bên cạnh những giải pháp trên, thành phố còn tiếp tục nâng cấp, mở rộng quy mô chợ đêm Sơn Trà và đầu tư hạ tầng chiếu sáng, cảnh quan để làm nền tảng hình thành phố đêm Trần Hưng Đạo (đoạn từ cầu sông Hàn đến cầu Rồng).

Ngoài ra, thành phố phát triển các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24 giờ, khuyến khích nâng cấp các trung tâm mua sắm hàng hóa (Lotte, Vincom...), phố thời trang Lê Duẩn, các khu chợ Hàn, chợ Cồn mở cửa đến 24 giờ hàng ngày; trang trí ánh sáng, thiết kế đặt các mô hình, tạo điểm check in cho du khách về đêm tại chợ Hàn, chợ Cồn… 

Để các dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm phát triển, Đà Nẵng còn nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm trong lĩnh vực du lịch để khuyến khích phát triển mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, góp phần thu hút và kích thích chi tiêu của du khách, giải quyết việc làm và đóng góp nguồn thu cho ngân sách.

Thành phố sẽ sớm hoàn chỉnh phê duyệt và công bố quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn và hai tuyến biển Trường Sa-Võ Nguyên Giáp-Hoàng Sa và Nguyễn Tất Thành để thu hút đầu tư hình thành các dịch vụ vui chơi giải trí, trong đó có vui chơi giải trí về đêm.

Trên cơ sở đó, thành phố nghiên cứu quy hoạch các cụm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, phố đêm, chợ đêm riêng biệt với khu dân cư để thu hút đầu tư, phát triển các dịch vụ giải trí đêm.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục