Chia sẻ bên lề kỳ họp, ngày 21/11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng thời gian qua, nhiều vụ án lớn đã được đưa ra ánh sáng, xử lý đúng người, đúng tội, tạo được niềm tin trong nhân dân, tuy nhiên đối với loại tội phạm công nghệ cao, cần bổ sung hành lang pháp lý, kịp thời ngăn chặn ngay từ khi có dấu hiệu phạm tội.
Xử lý đúng người, đúng tội
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua thật sự có hiệu quả, đã tạo thành một phong trào, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng. Đó là yếu tố quan trọng góp phần vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền hiệu quả.
Đại biểu nhất trí với báo cáo của Bộ Công an và cho rằng nhiều vụ án rất phức tạp, liên quan tới nhiều người, nhiều tổ chức, cá nhân nhưng chúng ta đều đấu tranh một cách triệt để, vụ án nào cũng tìm được người cuối cùng - thường gọi là "trùm cuối."
Về mặt kinh tế, đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng phải lấy lại được những gì đã bị tổ chức, cá nhân lợi dụng hoặc cá nhân đã tham ô, tham nhũng. Đây cũng là một nét mới trong quyết tâm phòng, chống tham nhũng.
Nói về những giải pháp ngăn chặn tham nhũng, đại biểu Trương Xuân Cừ nhận định việc xét xử nghiêm minh những trường hợp vi phạm trong thời gian qua vẫn chưa đủ răn đe ngay lập tức, cần thêm thời gian vì thay đổi nhận thức cần có một quá trình.
Đặt tính liêm chính của cán bộ trong chống tham nhũng lên hàng đầu
Đại biểu thành phố Hà Nội phân tích mỗi người có nhận thức khác nhau, vì thế muốn nâng cao nhận thức của đông đảo cán bộ, đảng viên trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì phải kiên trì, kiên quyết…
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng rất nhiều vụ việc lớn xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều địa phương, tưởng như không thể động đến nhưng vẫn được đưa ra ánh sáng và xử lý công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội.
Những việc này được xử lý như tinh thần của Tổng Bí thư là không có "vùng cấm." Khối lượng vụ việc cũng như các "con số biết nói" được xử lý đã tác động không nhỏ đến hệ thống quản lý của bộ máy hành chính nhà nước, tạo niềm tin cho nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Cần bổ sung hành lang pháp lý đối với tội phạm công nghệ cao
Cho rằng tội phạm công nghệ cao đang diễn biến hết sức phức tạp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành khẳng định đây là quy luật tất yếu trong xã hội phát triển, cần có hành lang pháp lý tốt, đặc biệt liên quan đến việc quản lý các hệ thống mạng xã hội, các nguồn được xác định từ nước ngoài xâm nhập.
Đại biểu nhấn mạnh cần phải có chế tài đủ mạnh để kiềm chế, ngăn ngừa những hoạt động phạm tội trên không gian mạng; đồng thời, cần có hệ thống công nghệ, đội ngũ chuyên gia tốt để xử lý những vấn đề liên quan, kịp thời phát hiện những vi phạm.
Phân tích về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội.
Đại biểu cho biết lực lượng công an xã đã được xây dựng, củng cố, góp phần làm tốt công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa tội phạm ngay từ địa bàn, cơ sở.
Theo đại biểu, mạng xã hội là công cụ cần thiết cho việc học tập, làm việc, thu thập tin tức, trao đổi và giải trí, vì vậy, cần một môi trường mạng lành mạnh, an toàn, văn minh.
Thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng chưa thực sự đảm bảo, vẫn còn nhiều tình trạng bạo lực mạng, lừa đảo, lan truyền tin giả.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng theo quy định, đã có lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Trên thực tế, lực lượng này đã phát huy hiệu quả nhưng vẫn cần thường xuyên rà soát môi trường thông tin trên mạng xã hội để nhắc nhở, cảnh cáo, có sự can thiệp phù hợp, kịp thời xử lý thích đáng các loại hình tội phạm trên không gian mạng.
Có thể xem xét sửa đổi Luật An ninh Mạng để phù hợp với nhiều bước phát triển mới của môi trường mạng xã hội cũng như sự biến tướng của các loại hình tội phạm trên môi trường này, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất.
Nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng đánh giá thật kỹ lưỡng, khách quan về tình trạng tội phạm trên không gian mạng; tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, nhất là các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, đổi mới phương thức cảnh báo hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân biết, chủ động hơn trong việc đấu tranh với tội phạm…/.