Đại dịch COVID-19: Phép thử với khả năng chống chịu của y tế cơ sở

Có thể nói hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế xã phường trong thời gian gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội… đang chịu những áp lực rất lớn, trước đây chưa từng đối mặt.
Nhân viên tại y tế cơ sở lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhân viên tại y tế cơ sở lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hai năm trải qua đại dịch COVID-19, y tế cơ sở đã được kích hoạt nhanh chóng trên cả nước, thể hiện được vai trò là cánh tay nối dài của ngành y tế.

Trong đợt dịch lần thứ 4 và hiện nay, với việc F0 gia tăng trở lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong thời gian gần đây dẫn đến nhiều trạm y tế quá tải do lực lượng y tế tại địa phương mỏng, đặc biệt là trong quản lý và chăm sóc các ca mắc COVID-19.

Thiếu trầm trọng nhân lực y tế cơ sở

Qua gần 2 năm ứng phó với dịch bệnh đã cho thấy vai trò của hệ thống y tế cơ sở - nơi quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và đảm nhiệm vai trò quan trọng phòng chống dịch.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 10.000 trường hợp F0 đang được điều trị; trong đó các trạm y tế lưu động đang điều trị khoảng 3.000 bệnh hơn 700 F0 điều trị tại nhà, chiếm 37% tổng số bệnh nhân. Đây là những trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không triệu chứng.

[Lực lượng y tế cơ sở ở Cần Thơ nỗ lực vượt khó trong dịch COVID-19]

Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Thủ đô có 579 trạm y tế xã/phường/thị trấn, Hà Nội đang thiếu trầm trọng nhân lực y tế cơ sở. Tại nhiều khu chung cư, mật độ dân số cao trên 30.000 dân, có nơi thậm chí lên tới 50.000 dân nhưng một trạm y tế ở phường đó tối đa chỉ 10 người. Trong khi lượng cán bộ này (chủ yếu là nữ giới) chỉ thực hiện theo dõi, quản lý sức khoẻ cho tối đa 13.000 -15.000 dân (nghĩa là chỉ đáp ứng được 30%) trong điều kiện bình thường, chưa kể khi có dịch bệnh nguy hiểm.

Còn tại 30 Trung tâm Y tế cấp huyện hiện thiếu tới gần 1.400 cán bộ y tế so với chỉ tiêu được giao. Đặc biệt, chỉ có gần 14% nhân lực là bác sỹ tại 30 trung tâm này.

Sở Y tế Hà Nội kiến nghị đối với xã, phường, thị trấn có quy mô dân số hơn 25.000 dân thì cứ thêm 2.000-3.000 dân được bổ sung 1 nhân viên y tế và cứ hơn 10 cán bộ y tế, được tuyển dụng từ 2 bác sỹ trở lên.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 310 trạm y tế cố định. Có 52 trạm được phân bổ từ 5 cán bộ trở xuống; 173 trạm có 6-8 người; 64 trạm có 9-10 người. Thực tế, mỗi trạm tại Thành phố Hồ Chí Minh cần ít nhất 10 người vì trung bình một phường xã có 30.000 dân.

Hiện nay, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến phường, xã tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt 2,3 trên 10.000 dân, thấp hơn nhiều so chỉ tiêu và nhu cầu thực tế. Tỷ lệ này cả nước là 7,4, Hà Nội 6.

Trạm y tế Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) nằm trong số phường, xã có số lượng dân cư đông nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, với 170.000 dân. Trạm y tế của phường chỉ 10 nhân viên y tế. Những ngày giữa tháng 11, dù không phải cao điểm dịch nhưng nơi đây đang phải quản lý hơn 1.500 người F0.

Có thể nói hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế xã phường trong thời gian gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội… đang chịu những áp lực rất lớn, trước đây chưa từng đối mặt trong việc đáp ứng nhu cầu phòng chống đại dịch COVID-19 trong khi vẫn phải đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thường quy.

Nhiều hạn chế của mạng lưới y tế cơ sở

Phân tích về vấn đề này, Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở (Bộ Y tế), nhấn mạnh đối với công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, lần đầu tiên trong lịch sử các bệnh lây nhiễm, trạm y tế xã phường trở thành nơi quản lý, theo dõi và điều trị hầu hết số bệnh nhân. Con số thống kê hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy gần 80% trong tổng số khoảng 86.000 bệnh nhân COVID-19 đang được quản lý, theo dõi và điều trị ngay tại tuyến y tế xã phường.

Đại dịch COVID-19: Phép thử với khả năng chống chịu của y tế cơ sở ảnh 1Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Nhu cầu quản lý, theo dõi và điều trị bệnh nhân COVID-19 tăng đột biến trong đợt dịch lần thứ 4 đã vượt xa năng lực thực tế của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế xã phường và điều này đã đặt hệ thống y tế cơ sở, với lực lượng tương đối mỏng, luôn trong tình trạng căng thẳng và quá tải kéo dài. Điều đáng lo ngại là tình trạng này được dự báo là sẽ chưa kết thúc trong thời gian ngắn trong khi sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tâm thần của đội ngũ nhân lực y tế tuyến đầu đã bị bào mòn sau một thời gian dài căng thẳng đối phó với dịch bệnh,” Phó giáo sư Thu Hằng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy bối cảnh khác nhau của đại dịch COVID-19 đã có tác động tới sự vận hành và khả năng chống chịu của mạng lưới y tế cơ sở. Đối với 3 đợt bùng phát dịch đầu tiên, với sự xuất hiện của các biến chủng có hệ số lây nhiễm chưa thật cao, hệ thống y tế (vốn chưa trải qua tình trạng căng thẳng kéo dài) và cộng đồng dân cư luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ với dịch bệnh… dường như phần nào đã giúp hệ thống y tế phát hiện sớm các ca bệnh và có đủ thời gian để thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan một cách hiệu quả. Nhờ vậy, số ca mắc luôn ở mức rất thấp, thấp hơn nhiều so với năng lực xử lý của hệ thống y tế các cấp. Có thể nói, trong giai đoạn này, trọng tâm các can thiệp y tế là các hoạt động dự phòng chủ động hơn là điều trị ca bệnh và nhờ đó những ưu điểm của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế đã được phát huy tối đa.

Theo bà Hằng, trong bối cảnh của đợt bùng phát dịch lần thứ 4, với sự xuất hiện của chủng Delta có hệ số lây nhiễm rất cao, hệ thống y tế đã trải qua một thời gian dài luôn trong tình trạng căng thẳng, cộng đồng dân cư trở nên ít cảnh giác hơn… đã dẫn tới tình trạng chậm phát hiện các ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng, lỡ khoảng thời gian vàng để ngăn dịch bùng phát mạnh. Hậu quả là dịch lây lan nhanh chóng trong cộng đồng tại nhiều địa phương, số ca nhiễm tăng vọt trong thời gian ngắn gây ra tình trạng quá tải y tế.

Do vậy, hệ thống y tế phải thực hiện ưu tiên kép, vừa triển khai các biện pháp dự phòng để đối phó với nhiều ổ dịch trong cộng đồng vừa thực hiện các biện pháp điều trị với số lượng lớn bệnh nhân. Trong bối cảnh này, những hạn chế của mạng lưới y tế cơ sở đã bộc lộ rõ. Năng lực thực hiện các can thiệp dự phòng của mạng lưới y tế cơ sở đã không còn theo kịp diễn biến gia tăng nhanh chóng của dịch bệnh. Năng lực điều trị khá hạn chế của mạng lưới y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế, vốn chức năng khám chữa bệnh đã bị bào mòn trong nhiều năm gần đây hoàn toàn không có khả năng quản lý, chăm sóc và điều trị cho một số lớn bệnh nhân COVID-19.

Vì vậy, khả năng phối hợp giữa các trạm y tế với các bệnh viện tuyến trên cũng như giữa các trạm y tế với nhau không được thực hiện hiệu quả do các trạm y tế vốn chỉ duy trì sự liên kết dọc với đơn vị quản lý trực tiếp của mình là trung tâm y tế quận/huyện.

Cấu trúc lại mô hình y tế xã, phường

Trong tình hình mới như hiện nay, Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng cho rằng mạng lưới trạm y tế xã, phường cần được điều chỉnh nhằm bám sát địa bàn dân cư, được đảm bảo biên chế nhân lực y tế tương thích với yêu cầu chăm sóc sức khỏe phổ quát theo nguyên lý y học gia đình cho quy mô dân số phục vụ. Trạm y tế xã, phường cần được bố trí đủ số lượng bác sỹ đa khoa/bác sỹ gia đình có kiến thức và kỹ năng thực hành, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế cơ bản. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy để đảm bảo chất lượng chăm sóc, mỗi bác sỹ gia đình chỉ nên phục vụ khoảng 1.500 dân…

Đại dịch COVID-19: Phép thử với khả năng chống chịu của y tế cơ sở ảnh 2Xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến các ca mắc COVID-19 tại phường Văn Miếu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trước đó, ngày 05/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới được xem là bước ngoặt, đánh dấu việc triển khai thực hiện một chương trình đổi mới rộng lớn đối với mạng lưới y tế cơ sở; trong đó xác định rõ hàng loạt những can thiệp cốt lõi nhằm nâng cao vai trò và năng lực của mạng lưới y tế cơ sở để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng về cả cung và cầu dịch vụ y tế.

Bà Hằng nhấn mạnh vấn đề thứ hai vẫn đang là một thách thức lớn đối với ngành y tế, đó là việc thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở đã diễn ra trong một thời gian rất dài và hiện vẫn chưa khắc phục được. Thiếu nguồn lực đầu tư được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới hệ quả trực tiếp là năng lực cung ứng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở chưa theo kịp nhu cầu thực tế, đặc biệt là trong những tình huống đặc biệt khẩn cấp về y tế công cộng.

Hiện 2/3 nguồn lực đầu tư cho y tế đang tập trung cho hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, còn tuyến huyện và trạm y tế chỉ được đầu tư một phần nhỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần xác định hướng đi lâu dài cho việc xây dựng nguồn nhân lực y tế cơ sở nói riêng và ngành y tế nói chung; trong đó cần có bước thay đổi toàn diện, cấu trúc lại mô hình y tế xã, phường. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chú trọng xây dựng các mô hình cả cơ sở hạ tầng, chuyên môn và nhân lực phù hợp đặc thù từng khu vực chăm sóc sức khỏe toàn diện, nhanh chóng, hiệu quả cho người dân nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục