Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 21/8 tuyên bố đại sứ của nước này sẽ tới Tehran trong vài ngày tới.
Quyết định được Abu Dhabi đưa ra 6 năm sau khi quan hệ song phương bị hạ cấp do sự ủng hộ của UAE dành cho Saudi Arabia.
Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao UAE khẳng định Đại sứ Saif Mohammed al-Zaabi “sẽ nối lại các nhiệm vụ của ông ở Đại sứ quán UAE tại Cộng hòa Hồi giáo Iran trong những ngày tới để đóng góp vào tiến trình tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương.”
Quyết định này nhằm mục đích “đạt được những lợi ích chung của 2 nước nói riêng và khu vực nói chung."
Trong bối cảnh những mối liên kết chính trị ở Trung Đông đang thay đổi, ông Anwar Gargash - Cố vấn Tổng thống UAE - hồi giữa tháng Bảy đã kêu gọi xoa dịu căng thẳng khu vực và phát đi tín hiệu về khả năng Đại sứ Zaabi sẽ quay trở lại Iran.
Năm 2016, Abu Dhabi đã hạ cấp quan hệ với Tehran nhằm bày tỏ tình đoàn kết với Riyadh, sau khi những người biểu tình Iran tấn công trụ sở của các phái bộ ngoại giao Saudi Arabia vì vụ Riyadh xử tử Giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr.
Các quốc gia Arab vùng Vịnh khác, trong đó có Kuwait, đã thực hiện những bước đi tương tự.
Hồi đầu tháng Tám, Iran thông báo Kuwait đã cử đại sứ đầu tiên của nước này tới Tehran kể từ năm 2016.
Vào tháng Bảy, Ngoại trưởng UAE và Iran đã điện đàm để thảo luận về giải pháp tăng cường quan hệ song phương.
Trước đó, UAE tuyên bố các quốc gia Arab vùng Vịnh nên tham gia “chính sách ngoại giao tập thể” nhằm đạt được thỏa thuận với Iran, vốn đang đàm phán với các cường quốc phương Tây về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Năm 2020, UAE thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel và quyết định này đã bị Tehran lên án.
Tuy vậy, Abu Dhabi đã và đang theo đuổi chính sách nối lại quan hệ hữu nghị với các đối thủ cũ trong khu vực - gồm Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, bởi UAE vẫn duy trì mối quan hệ song phương chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế với những quốc gia này, bất chấp thực tế là quan hệ ngoại giao bị hạ cấp./.