Trong 10 tháng của năm 2012, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 1.723 trường hợp mắc sốt rét, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2011, tuy nhiên không có trường hợp nào tử vong.
Thông tin trên được đưa ra trong Hội nghị phòng chống sốt rét biên giới năm 2012, do Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống sốt rét Việt Nam tổ chức.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, số bệnh nhân sốt rét tăng tại 6/15 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Ea H’leo, Ea Súp, Ea Kar, Krông Năng, Krông Pak và Krông Buk.
Trong tổng số ca mắc sốt rét 10 tháng qua của tỉnh có 15 trường hợp sốt rét ác tính, tăng 2 trường hợp so với cùng kỳ năm trước và không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt rét.
Số ca sốt rét ác tính được phát hiện chủ yếu ở các đối tượng dân đi rừng, ngủ rẫy, khai thác lâm thổ sản, giao lưu biên giới.
Với mục tiêu tăng cường phát hiện, quản lý và áp dụng các biện pháp phòng chống sốt rét thích hợp cho dân giao lưu biên giới, hội nghị cũng đã đề ra các giải pháp phòng chống sốt rét cho dân giao lưu biên giới như kiểm soát nguồn bệnh sốt rét từ người Campuchia qua Việt Nam và ngược lại; cung cấp đủ thuốc điều trị sốt rét cho các trạm y tế xã để cấp đủ thuốc tự điều trị sốt rét cho nhóm dân đi rừng, ngủ rẫy và dân giao lưu biên giới; cung cấp màn tẩm hóa chất cho người dân có giao lưu qua lại cửa khẩu, biên giới, người đi rừng…
Được biết, để thực hiện công tác phòng chống sốt rét cho nhân dân khu vực biên giới giữa hai tỉnh Đắk Lắk (Việt Nam) và Mondulkiri (Campuchia), đầu năm 2010, hai tỉnh trên đã ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện công tác này.
Đến nay, sau hai năm thực hiện, công tác phòng chống sốt rét khu vực biên giới giữa hai tỉnh đã tăng cường phát hiện, quản lý và áp dụng các biên pháp phòng chống sốt rét thích hợp cho dân giao lưu biên giới, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu giảm mắc, chết do sốt rét và không để dịch sốt rét xảy ra. Mặt khác, hai tỉnh đều triển khai việc phun tẩm hóa chất đồng bộ, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc điều trị sốt rét./.
Đức Minh (Vietnam+)