Dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cố đô Huế dịp Quốc khánh

Thừa Thiên-Huế là mảnh đất đã gắn bó với thời gian niên thiếu của Hồ Chủ tịch trong khoảng 10 năm (1895-1901 và 1906-1909) khi Người và gia đình đến sinh sống, lao động, học tập tại Kinh đô Huế.
Dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cố đô Huế dịp Quốc khánh ảnh 1Các đại biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 1/9, Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức trang trọng Lễ dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế.

Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã thành kính dâng hoa trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ lòng biết ơn, ghi nhớ sâu sắc trước công lao to lớn mà Người đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngược dòng lịch sử, ngày 30/8/1945, trước Quảng trường Ngọ Môn, nhân dân Thừa Thiên-Huế chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại khi Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến đọc “Chiếu thoái vị” và trao Ấn kiếm, biểu tượng của vương quyền nhà Nguyễn cho đại diện của Chính phủ lâm thời, chấm dứt sự thống trị của chế độ phong kiến triều Nguyễn, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm. Chính quyền chính thức về tay nhân dân.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Thừa Thiên-Huế góp phần quyết định thắng lợi trọn vẹn của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám trong cả nước, từ đó, mở ra một sự kiện lớn: ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thừa Thiên-Huế tự hào là mảnh đất đã gắn bó với thời gian niên thiếu của Hồ Chủ tịch trong khoảng 10 năm (1895-1901 và 1906-1909) khi Người và gia đình đến sinh sống, lao động, học tập tại Kinh đô Huế.

[Lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh]

Chính mảnh đất, con người nơi đây đã góp phần hun đúc, hình thành nên tư tưởng yêu nước của Bác, từ đó thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giành lại độc lập và tự do cho dân tộc.

Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Thừa Thiên-Huế gồm 14 di tích và địa điểm di tích; trong đó, có 4 di tích lưu niệm về Người đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2020, gồm: Nhà lưu niệm tại đường Mai Thúc Loan, Nhà lưu niệm Dương Nỗ, Đình làng Dương Nỗ và Trường Quốc học.

Tháng 5/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên-Huế phục vụ phát triển du lịch" với mục tiêu phát triển du lịch bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch, phù hợp với quy hoạch, chương trình trọng điểm phát triển du lịch-dịch vụ của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục