Đạo diễn Trần Thanh Huy: Chọn sự chân thực để kể chuyện về người lính cứu hỏa

Với phim dài tập “Đi về phía lửa,” đạo diễn Trần Thanh Huy đem sự chân thực vào trong từng tình tiết. Anh ngưỡng mộ những người chiến sỹ sẵn sàng hy sinh tính mạng mình vì cộng đồng.

Đạo diễn Trần Thanh Huy (trái) trên phim trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đạo diễn Trần Thanh Huy (trái) trên phim trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sở hữu bộ phim đầu tay đạt giải thưởng ấn tượng New Currents tại Liên hoan phim Busan năm 2019, đạo diễn Trần Thanh Huy (sinh năm 1990) vừa trở lại với dự án phim truyền hình “Đi về phía lửa” lấy cảm hứng từ công việc của những người lính cứu hỏa.

Chọn thời điểm lên sóng vào dịp Tết Nguyên đán, đạo diễn và nhà sản xuất mong có thể lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống đến với mọi người.

Nhân dịp này, đạo diễn chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus những kế hoạch ấp ủ cho năm mới.

‘Chạm’ vào trái tim khán giả bằng sự chân thực

- Là một đạo diễn cầu toàn (“Ròm” đã chỉnh sửa đến 27 lần mới hoàn thiện), vậy với “Đi về phía lửa,” Trần Thanh Huy còn cầu kỳ đến đâu, bởi đây vừa là phim truyền hình nhiều tập, vừa có những cảnh hành động, khói lửa chân thực?

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Với câu hỏi này, thật khó để có thể trả lời chính xác, bởi vì “Ròm”“Đi về phía lửa” là hai thể loại phim khác nhau.

Với phim dài tập “Đi về phía lửa,” tôi đem sự chân thực vào trong từng tình tiết. Tôi nghĩ khi đưa một nghề nghiệp ở cuộc sống vào bộ phim, mình phải làm sao tạo ra không khi rất thực, rất đời để người xem có thể tiếp cận một cách dễ dàng và cảm giác gần gũi. Do đó, tôi cố gắng đem tới hình tượng người lính cứu hỏa rất gần gũi với người dân, họ cũng có cuộc sống bình thường, có gia đình, có trở ngại đan xen trong nghề nghiệp.

NSUT TRONG HAI.jpg
Phim có sự tham gia của Nghệ sỹ Ưu tú Trọng Hải. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo dõi phim, khán giả sẽ thấy có yếu tố tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình, kèm theo đó là những hình ảnh rất quan trọng về đặc thù của nghề nghiệp. Bộ phim cũng sẽ xuất hiện những đại cảnh với hình ảnh cháy hay cứu nạn cứu hộ, phải tập trung rất nhiều diễn viên từ chính đến quần chúng cùng nhiều phương tiện kỹ thuật khác nhau. Nhưng cuối cùng vẫn là phải làm thế nào để người xem có thể cảm nhận thấy vụ cháy hay việc cứu nạn cứu hộ một cách chân thực nhất, điều này mới tạo ra sự đồng cảm của người xem.

- Anh đã đến với dự án phim về người lính cứu hỏa như thế nào và tích lũy chất liệu, cảm xúc cho phim như thế nào?

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Khoảng hơn một năm trước, tôi bắt đầu có cuộc nói chuyện đầu tiên liên quan đến dự án phim “Đi về phía lửa.” Lúc đầu, khi biết đây là dự án remake từ bộ phim "Tears On Fire" của Đài Loan (Trung Quốc), tôi đã nghĩ có thể chuyển hoá, trở thành một dự án phim mang đặc trưng Việt Nam, nên tôi đã làm việc với nhà sản xuất, biên kịch để biến những tình tiết câu chuyện trở nên gần gũi hơn với người Việt Nam.

CANH PHIM-1.jpg
Một cảnh quay trong bộ phim "Đi về phía lửa."

Việc nghiên cứu và tìm ra chất liệu cảm xúc cho bộ phim cũng mất rất nhiều thời gian. Tôi và toàn bộ êkip đã làm việc với những người lính phòng cháy chữa cháy thực sự, đi thực tập, chữa cháy, quan sát những lần chữa cháy lớn, theo dõi cách người trong nghề thực chiến, thậm chí còn phải bổ túc lý thuyết cũng như học cách vận hành trang thiết bị, xe cộ, quần áo cho đúng. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu về tính cách của những người lính phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, từ nếp sinh hoạt đến lối sống, các mối quan hệ hay cả những câu thoại, những cuộc chuyện trò vu vơ giữa họ. Chúng tôi đều nghiên cứu rất kỹ và mang tất cả chất liệu đó vào bộ phim.

‘Làm phim thì không sợ vấp ngã’

- Năm 2024, anh có dự định hay dự án phim điện ảnh/truyền hình nào mới hoặc có kế hoạch tiếp tục quảng bá các tác phẩm của mình ra nước ngoài?

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Sau “Đi về phía lửa,” tôi sẽ tập trung vào dự án điện ảnh tiếp theo của mình, và sẽ đi nhiều liên hoan phim trên thế giới để giới thiệu phim. Tôi hy vọng có thể giúp các bạn trẻ như tôi có nguồn kinh phí cho dự án của mình trong những năm tiếp theo.

- Là một nhà làm phim độc lập lứa tuổi 9X đã có nhiều trải nhiệm với công nghiệp điện ảnh, anh ngộ ra cho mình bài học gì để tiếp tục theo đuổi đam mê?

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Tôi theo học và làm điện ảnh đến nay đã 18 năm. Trên con đường đó, tôi học được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là sự vấp ngã. Tôi ngộ ra một bài học rất quan trọng của một nhà làm phim và đạo diễn trẻ, đó là sự nhẫn nại và không bao giờ biết đầu hàng, không sợ sự vấp ngã. Vì kinh phí của một bộ phim bằng xây cả một căn nhà, một gia tài lớn mà mọi người phải tích lũy rất lâu, nên việc thuyết phục các nhà đầu tư là rất khó. Vì vậy, tính nhẫn nại, sự kiên trì chính là điều tiên quyết cần có trước khi thực hiện bộ phim.

TRAM ANH-2.jpg
Phim lên sóng lúc 20h thứ Hai, Ba hàng tuần, từ ngày 12/2 (tức mùng Ba Tết) trên kênh K+CINE và App K+.

- Theo anh, để phát triển công nghiệp điện ảnh, cần có cơ chế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như các nhà làm phim độc lập?

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Thực tế, việc đầu tư cho điện ảnh Việt Nam còn đang rất yếu và đặc biệt là thiếu chính sách hỗ trợ từ nhà nước.

Tôi nghĩ rằng, dù bất kỳ lĩnh vực nào thì con người là ưu tiên hàng đầu. Với điện ảnh, việc đầu tư vào nguồn nhân lực rất quan trọng, quyết định sự thành công và phát triển của ngành trong tương lai.

Công nghiệp điện ảnh sẽ mang đến cơ hội quảng bá hình ảnh, con người, văn hóa, tiếng nói quốc gia ra thế giới, và minh chứng cho sự thành công đó là điện ảnh Hàn Quốc. Những ngày đầu, Hàn Quốc đã đưa rất nhiều học viên, sinh viên ra nước ngoài học các lĩnh vực như: Đạo diễn, quay phim, sản xuất, thiết kế, hóa trang, kỹ xảo... Chính như vậy, Hàn Quốc có một thế hệ nhà làm phim rất giỏi, rất nổi tiếng cho tới tận bây giờ.

Bên cạnh việc đào tạo, tôi nghĩ nên có những chính sách phù hợp trong kiểm duyệt phim, tăng cường hợp tác công tư, đầu tư chi phí cho các dự án điện ảnh của các nhà làm phim trẻ.

- Xin cảm ơn đạo diễn đã chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục