Đâu là nguyên nhân khiến Israel phải tổ chức bầu cử trước thời hạn?

Thủ tướng Israel đối mặt với một trong những thất bại lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông sau khi không thể thành lập chính phủ liên minh và thay vào đó phải tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn.
Đâu là nguyên nhân khiến Israel phải tổ chức bầu cử trước thời hạn? ảnh 1Thủ tướng Israel đồng thời là lãnh đạo đảng Likud Benjamin Netanyahu trong chiến dịch vận động tranh cử tại Ramat Gan, gần Tel Aviv, ngày 4/3/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo AFP/THX, ngày 30/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đối mặt với một trong những thất bại lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông sau khi không thể thành lập chính phủ liên minh và thay vào đó phải tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn chưa từng có tiền lệ.

Israel sẽ lại tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 17/9 tới, chỉ 5 tháng sau cuộc bầu cử hồi tháng 4/2019 mà ở đó ông Netanyahu và các đồng minh tôn giáo cánh hữu đã giành được đa số phiếu.

Ông Netanyahu đã không thể thuyết phục cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman từ bỏ yêu cầu chính và gia nhập chính phủ liên minh trước thời hạn chót 29/5.

Điều này dẫn đến việc ông Netanyahu phải thúc đẩy kế hoạch B và tổ chức cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội về việc tiến hành cuộc tổng tuyển cử mới. Kiến nghị đã được thông qua vào rạng sáng 30/5, chỉ vài giờ sau hạn chót vào đêm 29/5.

Kết quả này ngăn chặn kịch bản “ác mộng” với ông Netanyahu - đó là Tổng thống Israel Reuven Rivlin sẽ chỉ định một nhân vật khác thành lập chính phủ, nhưng lại đẩy Israel vào một chiến dịch tranh cử gây chia rẽ và tốn kém khác.

Theo một số nhà phân tích, việc ông Netanyahu không thể thành lập một liên minh cho thấy vị trí lãnh đạo Israel dài lâu của ông có thể bị suy yếu trong lúc các đối thủ trông chờ ông “ngã ngựa” trong tương lai không xa bởi các cáo buộc tham nhũng.

Trong nhiều năm qua, ông Netanyahu được nhiều người coi là “ảo thuật gia” chính trị, người luôn đi trước các đối thủ ít nhất một bước. Tuy nhiên, lần này có vẻ như nền tảng của ông không còn vững chắc nữa.

Trước tiên, “phép thuật” của ông không thể thành công trong việc tập hợp một liên minh có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng này.

Thực tế rằng ông đã phải vật lộn để làm vậy - ngay cả trước khi mọi việc rõ ràng rằng ông sẽ thất bại - khiến nhiều người bất ngờ.

Ông cũng đang gặp phải vấn đề về pháp lý khi đối mặt với đe dọa bị khởi tố vì tội tham nhũng - điều sẽ được xác định trong vài tháng tới. Tuy nhiên, là một người dày dạn kinh nghiệm chính trị, ông Netanyahu không thể bị đánh giá thấp.

[Israel chính thức thông qua kiến nghị giải tán Quốc hội]

Abraham Diskin, nhà khoa học chính trị tại Đại học Hebrew, nói: “Netanyahu là người có tính cách mạnh mẽ. Ông không phải là người dễ dàng từ bỏ, nhưng chắc chắn điều này báo hiệu sự khởi đầu của ‘phần cuối.’

Ông ta sẽ chiến đấu. Nhưng chắc chắn ông không còn mạnh mẽ như trước đây”. Chỉ trong vài tuần, ông Netanyahu phải chuyển từ việc ăn mừng chiến thắng sang tiến hành các nỗ lực căng thẳng “ở hậu trường” để đảm bảo kéo dài quyền lực của mình. Nguy cơ mà vị thủ tướng 69 tuổi đối mặt đang ở mức cao hơn bao giờ hết.

Ông Netanyahu có nguy cơ đối mặt với bản cáo trạng trong các tháng tới vì tội nhận hối lộ, lừa đảo và xói mòn lòng tin và được cho là đang thúc đẩy một dự luật trong Quốc hội mới để giúp ông có quyền miễn trừ.

Ông cũng đang trên đà trở thành thủ tướng cầm quyền lâu năm nhất của Israel vào tháng 7 tới, hơn cả nhà lập quốc David Ben-Gurion.

Có 5 ghế trong Quốc hội do đảng Yisrael Beitenu theo chủ nghĩa dân tộc của ông Lieberman kiểm soát đủ để khiến ông Netanyahu “đau đầu.” Ông Lieberman muốn thông qua dự luật mà ông ủng hộ nhằm buộc những người Do Thái chính thống phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc, giống như các thanh niên Do Thái khác.

Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm tại Israel. Dự luật nói trên vấp phải sự phản đối của các đảng Do Thái chính thống, vốn kiểm soát 16 ghế trong Quốc hội và là thành tố chính trong liên minh của ông Netanyahu.

Ông Lieberman nhiều lần mô tả việc ông từ chối tham gia chính phủ liên minh là vấn đề mang tính nguyên tắc. Ông đã theo đuổi vấn đề này từ lâu và thường xuyên lên tiếng phản đối các nỗ lực của phe Do Thái chính thống nhằm áp đặt các hạn chế về tôn giáo với xã hội Israel.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 30/5, ông nói: “Chúng tôi muốn một chính phủ chủ nghĩa dân tộc cánh hữu chứ không phải chính phủ tôn giáo.” Tuy nhiên, ông Netanyahu đã đưa ra phản bác trong cuộc họp báo riêng tối 30/5 với việc cáo buộc ông Lieberman “phá vỡ chính phủ cánh hữu.”

Một số khác cho rằng những rắc rối pháp lý của ông Netanyahu đang đặt ra rào cản. Đảng đối lập chính Xanh và Trắng - một liên minh theo quan điểm trung dung gồm một số cựu tướng lĩnh - cho rằng một thỏa thuận đoàn kết với đảng Likud có thể được ký kết nếu ông Netanyahu cho phép một nhân vật khác trong đảng của ông đứng ra thành lập chính phủ.

Các nhà lãnh đạo đảng Xanh và Trắng cho rằng họ không thể tham gia vào chính phủ do ông Netanyahu đứng đầu bởi các cáo buộc tham nhũng của ông, trong khi vị Thủ tướng này được cho là đang mong muốn các đối tác ủng hộ dự luật trao cho ông quyền miễn trừ bị truy tố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục