Đâu là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu cá tra Việt Nam?

Theo VASEP, có 2 yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu cá tra thời gian qua khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 7 tháng giảm 37% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1 tỷ USD.
Đâu là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu cá tra Việt Nam? ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), bảy tháng năm 2023, sản lượng cá tra của Việt Nam tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 922.000 tấn. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm 37% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1 tỷ USD.

Hai yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu

Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của VASEP, nhận định có 2 yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu cá tra của Việt Nam thời gian qua.

Một là nền kinh tế thế giới suy giảm khiến nhu cầu mặt hàng này sụt giảm ở các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc trong khi đây vốn là ba thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam. Các thị trường khác cũng đối mặt với lạm phát khiến tiêu thụ sụt giảm.

Hai là nửa đầu năm 2022, khi nền kinh tế các nước phục hồi sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã ồ ạt nhập khẩu với kỳ vọng tăng doanh số xuất khẩu và tiêu thụ cá tra trong nửa cuối năm 2022. Nhưng trái với dự đoán, lượng tiêu thụ cá tra không đạt như kỳ vọng khiến lượng tồn kho tăng cao và kéo dài đến đầu năm 2023.

"Hệ lụy là giá nhập khẩu cũng bị cạnh tranh với hàng tồn kho khiến mặt hàng cá tra mới cũng bị cạnh tranh về giá tại các thị trường," bà Hằng cho biết.

Đâu là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu cá tra Việt Nam? ảnh 2Chế biến cá tra xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Bảy tháng năm 2023, xuất khẩu cá tra ghi nhận sụt giảm về trị giá ở cả 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong số đó, thị trường Trung Quốc giảm 32% so với cùng kỳ năm trước về kim ngạch, còn 325 triệu USD; Mỹ giảm tới 59%, xuống mức 159 triệu USD; EU giảm 22% so với cùng kỳ năm trước, còn 101 triệu USD; Brazil giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt 47 triệu USD và thị trường Anh giảm 16%, đạt 40 triệu USD.

Theo bà Hằng, ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng của Việt Nam rất kỳ vọng vào yếu tố cầu tăng sau khi Trung Quốc mở cửa, tuy nhiên thực tế kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này lại giảm hơn 30%. Nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn khiến tiêu dùng sụt giảm.

Dù vậy, nhìn theo chiều hướng tích cực, mức sụt giảm kim ngạch cá tra tại thị trường Trung Quốc đang ít dần, từ mức sụt giảm 65% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 1 còn 30% vào tháng Năm và xuống mức 7% vào tháng Bảy. Điều này mở ra kỳ vọng xuất khẩu cá tra vào thị trường này sẽ hồi phục vào các tháng cuối năm khi nền kinh tế Trung Quốc khả quan, người tiêu dùng thích nghi dần với bối cảnh mới sau COVID-19.

Đối với thị trường Mỹ, hiện Việt Nam là nhà cung cấp số một về cá tra nhập khẩu cho Mỹ khi chiếm tới 91% tổng sản lượng nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm, Mỹ lại là thị trường kém lạc quan nhất của ngành cá tra Việt Nam. Nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với sự suy giảm, lạm phát ở mức cao, tồn kho cá tra của các nhà nhập khẩu, tất cả các yếu tố này đã đưa lượng và trị giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ giảm tới gần 60%.

Phát triển bền vững ngành cá tra

Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của VASEP, cho rằng điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu cá trá thời gian qua là việc xuất khẩu cá tra sang một số thị trường nhỏ đang có tăng trưởng tốt. Đây được coi là niềm hy vọng của các doanh nghiệp cá tra khi đang gặp khó khăn tại các thị trường lớn truyền thống.

Điển hình như xuất khẩu sang thị trường Đức tăng 25% cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang Phần Lan cao gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước; New Zealand tăng 17%; Thụy Điển tăng 25%, Singapore tăng nhẹ 1%.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, chỉ tính riêng nửa đầu tháng 7/2023, xuất khẩu cá tra sang Đức đạt gần 2 triệu USD, tương đương giá trị xuất khẩu của cả tháng 6/2023 dù vẫn giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết 15/7, xuất khẩu cá tra sang quốc gia EU này đạt gần 20 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 1/5 giá trị vào tổng nhập khẩu của EU.

Giống như các thị trường khác trong khối EU, Đức nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm cá tra phile, cắt khúc đông lạnh.

[Đồng Tháp: Xây dựng chiến lược xuất khẩu và tiêu thụ cho cá tra]

Theo bà Tô Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP, trong bối cảnh toàn bộ thị trường châu Âu rất trầm lắng thì thị trường Đức và Anh tăng trưởng là điều chúng ta cần suy nghĩ.

"Các doanh nghiệp cần tìm hiểu sản phẩm nào từ cá tra đi vào được hai thị trường Đức và Anh; cách phân phối như thế nào để có sự tăng trưởng trong toàn bộ bức tranh của châu Âu," bà Lan nhấn mạnh.

Dự báo các tháng cuối năm 2023, VASEP cho rằng xuất khẩu cá tra quý 3 sang Mỹ có thể chững lại. VASEP kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục tốt hơn về nhu cầu, xuất khẩu cá tra có thể cao hơn nửa đầu năm 2023. Do đó, dự báo cả năm 2023, xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,7 tỷ USD, giảm 32% so với năm 2022.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, hiện nay, sau những thành tựu đưa cá tra trở thành loài cá thịt trắng có tiếng và tiêu thụ rộng rãi trên thế giới, vẫn còn một số thách thức cần giải quyết để tiếp tục phát triển ngành cá tra mạnh mẽ hơn nữa.

Đối với ngành nuôi giống cá tra, vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, quản lý dịch bệnh chưa tốt, dẫn đến chuỗi cung ứng không ổn định, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế…

Do đó, cần có sự đầu tư và hợp tác trong ngành trong việc tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật ở các lĩnh vực. Thứ nhất, đối với cá bố mẹ, cần quan tâm đến chương trình chọn giống, trong đó có 2 chương trình quan trọng là chọn tính trạng kháng bệnh và tính trạng tăng trưởng. Thứ hai, đối với con giống, cần hoàn thiện quy trình nhân giống có tỷ lệ sống cao và sức khỏe tốt.

Đâu là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu cá tra Việt Nam? ảnh 3Thu hoạch cá tra tại Đồng Tháp. (Nguồn: TTXVN)

Cùng với đó là các giải pháp thức ăn tự nhiên trong giai đoạn đầu của con giống, các phương pháp phòng và trị bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng.

Về xử lý nước, cần có sự đầu tư và quan tâm đến khâu sục khí và ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nước, tương tự với xử lý bùn thải cũng cần có dự án và ứng dụng liên quan.

Về dinh dưỡng, khâu rất quan trọng với nuôi trồng thủy sản, mục tiêu cuối cùng là làm sao đảm bảo dinh dưỡng, tăng hiệu quả nuôi, tăng cường sức khỏe cho cá. Liên quan đến thức ăn, cần có các hoạt động và sáng kiến trong chế độ cho ăn tự động và hình thức cho ăn. Đối với quản lý dịch bệnh, cần những dự án sử dụng chất kích thích miễn dịch và vaccine cho cá.

Liên quan đến sản xuất cá tra, hiện nay chưa có nhiều cơ sở sản xuất cá tra giống đạt được giấy chứng nhận sản xuất và ương dưỡng giống sạch bệnh. Mặc dù hiện nay chỉ Mỹ có yêu cầu bắt buộc này, nhưng đây sẽ là xu hướng của thị trường trong tương lai về tuân thủ quy định của pháp luật. Đây cũng sẽ là động lực giúp thay đổi điều kiện sản xuất ương giống tốt hơn.

Về việc phát triển thị trường, đại diện Vĩnh Hoàn đề cập đến hành trình phát thải ròng zero waste (không rác thải). Đặc biệt là khi Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tại Hội nghị COP26 với lộ trình năm 2030 giảm 30% phát thải khí nhà kính so với năm 2020 và phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Một số quy định có thể sẽ được thực hiện ở Việt Nam bao gồm: phân bổ hạn ngạch phát thải trên nguyên liệu sản phẩm giai đoạn 2026-2030 và hằng năm, định giá carbon, cơ chế trao đổi thị trường tín chỉ carbon, trao đổi hạn ngạch tín chỉ carbon trên sàn giao dịch các thị trường carbon trong nước... Khi những quy định này có hiệu lực, việc giảm thải trong ngành thủy sản sẽ trở thành vấn đề tuân thủ, chứ không phải đơn thuần là yêu cầu của thị trường.

Các doanh nghiệp cần có những bước chuẩn bị cho lộ trình này để vừa đảm bảo việc tuân thủ, vừa phù hợp với các bước phát triển thị trường trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục