Đấu thầu để chọn nhà đầu tư 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam ra sao?

Nhà đầu tư trúng thầu 5 dự án cao tốc Bắc-Nam theo hình thức PPP phải đáp ứng các điều kiện về hồ sơ dự thầu hợp lệ, yêu cầu năng lực tài chính, kinh nghiệm.
Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các nhà đầu tư không có thương hiệu và tiềm lực tài chính sẽ bị loại bỏ ngay vì các quy định tại hồ sơ mời thầu 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam.

Mặt khác, tùy từng dự án, nhà đầu tư cũng phải tính toán bỏ thầu với mức giá sát nhất, giảm phần góp vốn Nhà nước bởi đấu thầu sẽ là cuộc chơi “lời ăn, lỗ chịu.”

Loại bỏ nhà đầu tư yếu kém

Sau khi Bộ Giao thông Vận tải phát hành hồ sơ mời thầu toàn bộ 5 dự án thành phần PPP cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đến nay đã có 14/16 nhà đầu tư qua sơ tuyển đến mua hồ sơ mời thầu.

Theo quy định pháp luật về đấu thầu, nhà đầu tư có 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Dự kiến khoảng ngày 20/9/2020 sẽ mở thầu, các Ban quản lý dự án sẽ thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu để đánh giá hồ sơ dự thầu theo đúng quy định pháp luật.

Dự kiến trong tháng 12/2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phê duyệt kết quả đấu thầu và đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng với các nhà đầu tư (nếu đấu thầu thành công). Trường hợp thuận lợi, đấu thầu thành công, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đàm phán, ký hợp đồng với các nhà đầu tư vào tháng 12/2020 để khởi công xây dựng đầu năm 2021, hoàn thành năm 2023.

“Nhà đầu tư trúng thầu phải đáp ứng các điều kiện về hồ sơ dự thầu hợp lệ, yêu cầu năng lực tài chính, kinh nghiệm, điểm kỹ thuật và đề xuất tài chính thấp nhất, tức là nhà đầu tư nào bỏ giá trị vốn góp của Nhà nước tham gia vào dự án ít nhất sẽ được xem xét lựa chọn,” ông Bùi Quang Thái, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP)-Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Đặc biệt, trong hồ sơ mời thầu 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã quy định rõ: Kể từ khi ký hợp đồng dự án, nhà đầu tư có sáu tháng để huy động vốn tín dụng nhằm đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư mạnh, đủ năng lực tài chính về vốn chủ sở hữu và có uy tín để ngân hàng cho vay vốn tín dụng.

“Quá thời hạn trên, nếu không huy động được, Bộ sẽ hủy hợp đồng đã ký và tịch thu bảo lãnh hợp đồng của nhà đầu tư. Số tiền bảo lãnh được tính bằng 1-3% giá trị hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu,” ông Thái nhấn mạnh.

[Bộ GT-VT: Sẽ lựa chọn nhà thầu tốt nhất làm cao tốc Bắc-Nam]

Khẳng định các đơn vị của bộ tiếp tục tập trung nguồn nhân lực tốt nhất, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao nhằm rút ngắn tối đa thời gian đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu công tác tổ chức đấu thầu phải được thực hiện một cách khách quan, minh bạch, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về đấu thầu và các quy định pháp luật liên quan; xác định chất lượng công trình là ưu tiên hàng đầu.

“Dự án phải tổ chức tuyển chọn được các nhà thầu có năng lực tốt về nhân lực, trang thiết bị và tài chính, có kinh nghiệm để thi công đồng thời lựa chọn được các tư vấn giám sát đảm bảo năng lực, trách nhiệm cao; đáp ứng được những giải pháp bao gồm cả giải pháp về công nghệ nhằm đảm bảo công tác giám sát tiến độ của dự án một cách chặt chẽ, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng,” Bộ trưởng Thể khẳng định.

Lời ăn, lỗ chịu

Nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu 5 dự án cao tốc Bắc-Nam theo hình thức PPP bày tỏ những thắc mắc đến việc chia sẻ rủi ro của dự án; lộ trình tăng phí theo đúng hợp đồng, chi phí dự phòng trượt giá…

Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (PPP)-Bộ Giao thông Vận tải, các dự án PPP cao tốc Bắc-Nam không được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về lưu lượng. Tuy nhiên, từ bước nghiên cứu khả thi, Bộ Giao thông Vận tải đã làm rất kỹ càng các số liệu đầu vào, dự án nào hoàn thành trước cũng sẽ đủ điều kiện để vận hành khai thác độc lập mà không phụ thuộc vào các dự án bên cạnh.

“Với dự án cao tốc Bắc-Nam, trong Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội và Nghị quyết 20/2018 của Chính phủ đã xác định giá vé cho từng thời điểm, có điểm khởi đầu và điểm kết thúc, ở từng giai đoạn sẽ có bước nhảy. Hiện nay, trong phương án tài chính của các dự án, bên mời thầu khi phê duyệt đều theo đúng theo lộ trình bước nhảy đó. Bộ Giao thông Vận tải sẽ áp dụng theo đúng quy định của hợp đồng,” ông Thành khẳng định.

Đấu thầu để chọn nhà đầu tư 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam ra sao? ảnh 1Các dự án cao tốc Bắc-Nam được đấu thầu theo hình thức PPP sẽ được tăng phí theo đúng lộ trình của dự án. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đề cập đến chi phí dự toán khi đấu thầu, vị Vụ trưởng Vụ PPP cho rằng, giá trị dự toán khi cập nhật có thể tăng lên hoặc giảm xuống, vì thế tại hợp đồng đã có phần chi phí dự phòng khối lượng. Dự phòng đấu thầu trong các dự án PPP cao tốc Bắc-Nam là trọn gói. Nhà đầu tư toàn quyền được sử dụng trong quá trình thi công, không phải hỏi ai cả, khi đã đấu thầu là “lời ăn lỗ chịu.”

[Doanh nghiệp BOT sẽ được tự quyết định mức phí thu trên đường cao tốc?]

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết công tác giải phóng mặt bằng đã xong 87%, dự kiến hoàn thành toàn bộ trong tháng 10/2020. Bộ Giao thông Vận tải cam kết khi nhà đầu tư trúng thầu là có đầy đủ mặt bằng triển khai thi công các dự án.

“Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP cao tốc Bắc-Nam đồng thời tiếp tục đối thoại, trao đổi và luôn trải thảm đỏ để các nhà đầu tư tham gia vào dự án cao tốc Bắc-Nam,” Thứ trưởng Nhật nói./.

5 dự án cao tốc Bắc-Nam mời thầu gồm Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo.

Được biết, dự án cao tốc Bắc-Nam dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 6 dự án đầu tư công, còn lại 5 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Tổng mức đầu tư của 11 dự án là khoảng 100.816 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục