Trong khi có tới hàng trăm nghìn cử nhân đại học vẫn đang thất nghiệp và khó tìm được việc làm thì tại các trường nghề, tỷ lệ có việc làm của sinh viên, học sinh và người học tốt nghiệp năm 2014 lên tới 78,7%.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí thông báo về kết quả công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 do Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 14/1, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, trong năm 2014, các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh khoảng 2,023 triệu người (bằng 113,7% so với kế hoạch), trong đó trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 220.593 người (bằng 78,8% so với kế hoạch), trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng đạt 1,802 triệu người (bằng 120,2% so với kế hoạch), tổ chức dạy nghề cho 534.807 lao động nông thôn.
Mạng lưới cơ sở dạy nghề cũng đã được mở rộng trong năm 2014, cả nước có 1.463 cơ sở dạy nghề, trong đó có 171 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề và 991 trung tâm dạy nghề.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân cho biết, năm 2015, đơn vị này sẽ tập trung xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp và triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo.
Tổng cục Dạy nghề cũng đã đặt mục tiêu sẽ tuyển mới dạy nghề cho 2,321 triệu người, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 5.000 người lao động và 2.000 giáo viên, giảng viên dạy nghề, tổ chức rà soát xây dựng danh mục nghề cho người khuyết tật./.
5 sự kiện nổi bật của ngành dạy nghề năm 2014
- Tổ chức thành công Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ X.
- Quốc hội thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp.
- Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
- Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 761/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020."
- Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1982/QĐ-TTg về phê duyệt "Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020."