Đề xuất gói bảo hiểm y tế bổ sung, giảm chi từ 'tiền túi' người bệnh

Gói bảo hiểm y tế bổ sung sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được BHYT cung cấp.
Đề xuất gói bảo hiểm y tế bổ sung, giảm chi từ 'tiền túi' người bệnh ảnh 1Bà Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Y tế đang nghiên cứu việc đa dạng hóa các gói bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng. Gói bảo hiểm này nhằm chi trả cho một số dịch vụ chưa được bảo hiểm y tế chi trả như gói khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người già, khám, chẩn đoán sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh… giảm chi phí người dân bỏ ra cho việc chi trả dịch vụ y tế.

Bà Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh như vậy tại Tọa đàm về chính sách bảo hiểm y tế bổ sung trong dự án Luật bảo hiểm y tế sửa đổi do Bộ Y tế phối hợp Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 10/10.

Hướng tới bao phủ BHYT toàn dân

Bà Trần Thị Trang cho hay loại hình bảo hiểm y tế đang thực hiện là chính sách bảo hiểm y tế an sinh xã hội, bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước đảm bảo để nâng cao chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Chính sách bảo hiểm y tế bổ sung là một trong những điểm quan trọng trong Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, đảm bảo tính tiên tiến, hội nhập quốc tế trong xây dựng chính sách. Gói bảo hiểm y tế bổ sung nhằm xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi, giảm chi từ "tiền túi" của người bệnh.

[Tổng Giám đốc WHO chúc mừng những thành tựu của ngành Y tế Việt Nam]

"Chúng ta đang hướng tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn phát triển bảo hiểm y tế bổ sung, dự kiến đề xuất thực hiện liên kết giữa bảo hiểm y tế xã hội và cơ sở kinh doanh bảo hiểm y tế thương mại để người dân có thêm lựa chọn," Thạc sỹ Trần Thị Trang thông tin.

Dự kiến gói bảo hiểm y tế bổ sung là bảo hiểm y tế tự nguyện, người dân có mong muốn tham gia, trên cơ sở đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Gói bảo hiểm y tế bổ sung sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được bảo hiểm y tế cung cấp.

Về mức phí cho bảo hiểm y tế bổ sung, bà Trang cho hay sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lắp với bảo hiểm y tế bắt buộc.

Đề xuất gói bảo hiểm y tế bổ sung, giảm chi từ 'tiền túi' người bệnh ảnh 2Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điểm đặc biệt là doanh nghiệp tham gia cung cấp gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, không được có quy định loại trừ người dân, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người có điều kiện, có nhu cầu.

Để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, doanh nghiệp sử dụng kết quả giám định của cơ quan bảo hiểm xã hội để xác định chi phí phù hợp, đúng quy định đồng thời cơ quan chức năng sẽ đề xuất cơ chế pháp lý rõ ràng để giám sát việc thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung.

Tại tọa đàm, đại diện Việt Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) cho biết theo tính toán, hiện số tiền bệnh nhân đồng chi trả chiếm khoảng 9% tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Dự kiến, chi từ "tiền túi" khi đi khám chữa bệnh ngoại trú sẽ giảm 25% khi áp dụng hình thức bảo hiểm y tế tự nguyện. Mức giảm khi đi khám chữa bệnh nội trú sẽ là 41%. Như vậy, giảm tổng chi tiền túi sẽ là khoảng 20-31%.

Ngoài ra, bảo hiểm y tế bổ sung cũng giúp tăng tiếp cận dịch vụ y tế bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu, kỹ thuật cao (có mức đồng chi trả lớn), huy động thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe…

Thêm lựa chọn, thêm quyền lợi bảo hiểm

Thạc sỹ Hoàng Trung Tuấn - Vụ Bảo hiểm Y tế cho biết việc phối hợp giữa bảo hiểm y tế và bảo hiểm thương mại sẽ kết hợp nguồn tài chính từ quỹ bảo hiểm y tế xã hội với nguồn tài chính từ các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại thông qua liên kết giữa hai loại hình bảo hiểm để bảo vệ tài chính cho người tham gia bảo hiểm trong sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Mục đích của gói bảo hiểm y tế bổ sung là xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế. Phạm vi chi trả của gói không trùng lặp với phạm vi được hưởng và mức hưởng của bảo hiểm y tế bắt buộc.

Cũng theo ông Tuấn, Quỹ bảo hiểm y tế bổ sung là quỹ tài chính nằm ngoài ngân sách nhà nước hình thành từ nguồn đóng bảo hiểm y tế bổ sung và các nguồn thu hợp pháp khác, được sử dụng để chi trả chi phí y tế bổ sung ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế bắt buộc cho người tham gia bảo hiểm y tế bổ sung và các chi phí khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Khánh Phương - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, để hướng tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, cần huy động đủ nguồn tài chính đáp ứng yêu cầu người dân được chăm sóc sức khoẻ khi có nhu cầu đồng thời phải bảo giảm chi trực tiếp từ tiền túi cho chăm sóc sức khỏe, hạn chế rào cản tài chính trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người dân; tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực...

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng có thể thu thêm một khoản phí để phục vụ việc khám, chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh như ung thư. Những bệnh này nếu để đến giai đoạn nặng mới phát hiện, điều trị thì hiệu quả thấp, giảm thời gian sống, tăng nguy cơ tử vong, tốn kém chi phí điều trị như tiền thuốc, tiền giường…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục