Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt "Chương trình quốc gia, phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016-2020."
Mục tiêu của chương trình nhằm đến năm 2020, khống chế thành công bệnh lở mồm long móng ở một số vùng, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lở mồm long móng gia súc ở Việt Nam và xây dựng được ít nhất một vùng an toàn dịch bệnh.
Cụ thể, tiêm phòng nhằm tạo miễn dịch bảo hộ cho 80% tổng đàn trâu, bò trong vùng khống chế; giảm số ổ dịch mới, nhất là tại các tỉnh biên giới và các tỉnh Tây Nguyên; ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ nước ngoài vào Việt Nam.
Kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các huyện thuộc khu vực tiếp giáp vùng đệm, giảm thiểu nguy cơ lây lan và phát sinh ổ dịch ở đàn gia súc để phục vụ cho việc mở rộng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng; tăng cường xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.
Giải pháp phân vùng để thực hiện gồm vùng nguy cơ cao gồm vùng khống chế và vùng đệm; trong đó vùng khống chế là các huyện biên giới và các huyện còn lại của 5 tỉnh Tây Nguyên. Vùng đệm là các huyện tiếp giáp vùng khống chế, có dịch lở mồm long móng xảy ra trong giai đoạn 2011-2015 và các huyện xung quanh tiếp giáp với tỉnh Nam Định, Thái Bình.
Vùng an toàn dịch bệnh là các huyện, thành phố Nam Định và Thái Bình theo "Đề án Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại Nam Định và Thái Bình."
Hàng năm, căn cứ tình hình dịch bệnh lở mồm long móng trong nước và khu vực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ rà soát và đề xuất chủng loại vắcxin phù hợp để tiêm phòng. Đối với vùng nguy cơ cao, đảm bảo tiêm phòng 2 lần trong năm, mỗi lần cách nhau 6 tháng.
Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống nhận diện gia súc, thực hiện đánh dấu gia súc theo quy định, xây dựng dữ liệu về vận chuyển gia súc, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; rà soát, quy hoạch hệ thống kiểm dịch đầu mối giao thông để kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật tại các địa phương, đảm bảo kiểm soát có hiệu quả việc vận chuyển, giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.
Việc giết mổ gia súc được thực hiện theo quy trình kiểm soát giết mổ động vật, theo các quy định hiện hành và quy định của Luật thú y. Ngoài ra, xây dựng các tài liệu tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh lở mồm long móng.
Ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương mua vắcxin lở mồm long móng để tiêm phòng đối với đàn trâu, bò giống của nhà nước, đàn trâu bò của các hộ gia đình, các nhân trong vùng khống chế thuộc diện tiêm phòng bắt buộc theo khả năng của ngân sách hàng năm.
Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí mua vắcxin để tiêm phòng trong vùng đệm thuộc diện phải tiêm phòng bắt buộc. Đối với các vùng còn lại, tùy theo khả năng ngân sách địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí mua vắcxin và tổ chức tiêm phòng.
Đối với đàn gia súc của cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trang trại chăn nuôi thì các đơn vị tự đảm bảo kinh phí mua vắcxin và tổ chức tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.
Đối với đàn gia súc của các hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ thì chủ chăn nuôi phải tự đảm bảo kinh phí mua vắcxin và tổ chức tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan thú y./.