Dịch COVID-19: Chính phủ Đức nới lỏng quy định về phá sản doanh nghiệp

Bộ trưởng Tư pháp Đức Christine Lambrecht cho biết, quy định về phá sản được nới lỏng với điều kiện các doanh nghiệp cần cho các chủ nợ thấy triển vọng tái cơ cấu thực tế bên cạnh các thủ tục phá sản.
Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Potsdam, Đức ngày 4/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Potsdam, Đức ngày 4/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Đức sẽ nới lỏng các quy định về phá sản theo các đề xuất được đưa ra vào ngày 18/9 để giúp ngăn chặn làn sóng phá sản tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, với điều kiện các công ty bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 phải đưa ra được một mô hình kinh doanh vững chắc.

Với mong muốn tránh kịch bản các doanh nghiệp phá sản và sa thải lao động hàng loạt, Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã đưa ra một loạt biện pháp kích thích và cứu trợ cần thiết, giữa bối cảnh nền kinh tế Đức đang phải đối mặt với đợt suy giảm mạnh nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, với mức giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chưa từng có 9,7% trong quý 2/2020.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Christine Lambrecht cho biết, các doanh nghiệp cần cho các chủ nợ thấy triển vọng tái cơ cấu thực tế bên cạnh các thủ tục phá sản.

[Kinh tế Đức dần phục hồi, sẽ sớm đạt quy mô trước khủng hoảng]

Theo dự thảo cải cách có hiệu lực vào đầu năm 2021, thời hạn để các công ty nộp đơn xin phá sản sẽ được kéo dài từ ba tuần lên sáu tuần và các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các tiêu chuẩn nới lỏng hơn nếu mức nợ doanh nghiệp quá lớn.

Chính phủ đã thực hiện các biện pháp như cho phép các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính do đại dịch COVID-19 hoãn nộp đơn phá sản cho đến cuối năm nay, kéo dài so với thời hạn ban đầu là cuối tháng 9/2020.

Được hỗ trợ bởi các biện pháp này, số doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ ở Đức trong nửa đầu năm nay đã giảm xuống còn 9.006 doanh nghiệp, thấp hơn 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những người chỉ trích cho rằng động thái trên có thể giúp các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được trì hoãn trả nợ, nhưng không ngăn chặn được sự sụp đổ của các công ty "xác sống" (zombie).

Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng các biện pháp trên đã giúp chặn đà suy thoái sâu của kinh tế Đức và ngăn chặn tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục