Dịch COVID-19: Chung tấm lòng hướng về Thành phố mang tên Bác

Trung bình mỗi ngày nhóm “Chung một tấm lòng” hoàn thành, đóng gói được 300kg cá nục kho, 100kg ruốc và 1.000 cặp bánh chưng để gửi vào tiếp sức cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Dịch COVID-19: Chung tấm lòng hướng về Thành phố mang tên Bác ảnh 1Các nhóm thiện nguyện chuẩn bị thực phẩm hỗ trợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: TTXVN) 

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng chức năng và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang "căng mình" chống dịch.

Với tinh thần tương thân, tương ái, những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã có nhiều việc làm thiết thực, sẻ chia khó khăn với mong muốn thành phố mang tên Bác sớm chiến thắng dịch bệnh.

Khuôn bếp yêu thương

Dưới cái nắng chói chang gần 40 độ C, 20 bếp nấu trong khuôn bếp cuối con hẻm 147 đường Nhật Lệ (thành phố Huế, Thừa Thiên-Huế) vẫn đỏ lửa từ sáng đến chập tối.

Gần một tuần qua, từ khuôn bếp này đã có gần 2 tấn cá kho và hơn 2.000 hũ thịt kho ruốc của nhóm thiện nguyện “Chung một tấm lòng” được chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp sức cùng người dân vượt qua dịch COVID-19.

Từ sáng sớm, các chị em nhóm “Chung một tấm lòng” đã tất bật về tận cảng biển Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) để lựa chọn những mẻ cá nục tươi xanh nhất.

Lúc những tạ cá tươi được đưa về nơi tập kết cũng là lúc hành, tỏi, ớt… được những thành viên khác sơ chế xong. Người cẩn thận rửa cá với muối, người cẩn thận ướp cá… Cứ thế, 20 nồi cá nục được đặt lên bếp suốt 5-6 giờ liền.

Ở một góc bếp khác, các chảo thịt kho ruốc cũng hấp dẫn không kém. Nước mắm trong chảo sệt lại, thịt lợn ba chỉ lên màu và dậy mùi thơm đặc trưng của mắm ruốc xứ Huế.

Sau khi những nồi cá, chảo thịt kho ruốc này nguội bớt, các thành viên luân phiên đóng gói, hút chân không các hộp cá, hũ thịt kho ruốc và xếp vào thùng xốp.

“Ngoài món cá nục kho, thịt kho ruốc, chúng tôi còn hỗ trợ rất nhiều bánh chưng Nhật Lệ Huế, muối đậu xả cho các bà con Thành phố Hồ Chí Minh. Vì đây là những món ăn rất Huế giàu dinh dưỡng, dễ bảo quản, có thể dùng ngay, bà con sẽ cảm nhận được tấm lòng của những người dân xứ Huế” - anh Trương Quang Thiều, trưởng nhóm “Chung một tấm lòng” cho biết.

[Ưu tiên tiếp tế hàng tiêu dùng thiết yếu đến vùng dịch TP.HCM]

Dù thời tiết nắng nóng gay gắt, tiếp xúc gần với nhiều bếp lửa nhưng dưới lớp khẩu trang, sự hăng say, vui vẻ của tất cả các thành viên vẫn hiện rõ qua ánh mắt và đôi bàn tay thoăn thoắt làm việc.

Cứ thế, trung bình mỗi ngày họ hoàn thành, đóng gói được 300kg cá nục kho, 100kg ruốc và 1.000 cặp bánh chưng gửi vào Thành phố Hồ Chí Minh.

“Đang làm việc, chúng tôi lại đón những vị khách quý đến ủng hộ tiền mặt, nước mắm… Đó là động lực giúp chúng tôi cố gắng mỗi ngày nấu nhiều hơn nữa, kịp thời gửi vào Thành phố Hồ Chí Minh” - chị Tịnh Thủy thành viên của nhóm chia sẻ.

Nghĩa tình hướng về thành phố mang tên Bác

Những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh Trương Quang Thiều đã ủng hộ tiền mặt và 500 cặp bánh chưng Nhật Lệ cho các hoàn cảnh khó khăn.

Nhìn người dân có hoàn cảnh khó khăn nhận chiếc bánh chưng nhỏ ăn cầm chừng, anh Thiều không thôi suy nghĩ làm sao để cải thiện bữa ăn cho bà con. Từ đó, anh cùng nhiều anh em thiện nguyện thành phố Huế thành lập nhóm “Chung một tấm lòng.”

Sau vài ngày thực hiện, ý tưởng thiện nguyện của nhóm ngày càng được nhiều người ủng hộ. Người góp ít dầu ăn, hành xả, tiền mặt; người góp công...

Từ 8 thành viên ban đầu, đến nay có ngày khuôn bếp rộn ràng tiếng nói cười của 26 người. Đứng bếp từ những ngày đầu nhóm hoạt động, anh Bùi Văn Hùng (Chủ nhà hàng tiệc cưới) chưa ngày nào vắng mặt.

Anh Hùng cho hay, ngoài hỗ trợ về công sức, vật chất, anh cũng sẵn sàng tận dụng khuôn bếp tại hẻm 147 đường Nhật Lệ của mình để giúp nhóm có nơi nấu ăn rộng rãi.

Dịch COVID-19: Chung tấm lòng hướng về Thành phố mang tên Bác ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhu cầu thực phẩm của người dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng lớn. Vì vậy, anh sẽ cố gắng mở rộng thêm khuôn bếp để phục vụ kịp thời các chuyến hàng.

Trực tiếp nhận hỗ trợ từ nhóm “Chung một tấm lòng” và trao quà cho người dân khó khăn tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Trường Sinh (quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nguồn hỗ trợ từ nhóm đáp ứng khá lớn nhu cầu cấp thiết của người dân. Hầu hết mọi người đều khen các món ăn đậm đà, dễ ăn và hợp khẩu vị.

Hằng ngày, các chuyến xe lại được chất đầy những thùng hàng mang “thương hiệu” của nhóm “Chung một tấm lòng” lăn bánh hướng về thành phố mang tên Bác.

Từ ngày 11/7 đến nay, đã có gần 2 tấn cá nục kho, 2.000 hũ thịt kho ruốc, 1.000 cặp bánh chưng và nhiều nhu yếu phẩm khác được gởi đến người già neo đơn, trẻ em mồ côi cùng nhiều hoàn cảnh khó khăn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước những khó khăn về lương thực, thực phẩm của người dân Thành phố Hồ Chí Minh do đại dịch COVID-19, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cũng đã quyên góp được 100 triệu đồng, hơn 100 tấn hàng hóa thiết yếu các loại và huy động hàng chục chuyến xe để chuyển vào hỗ trợ, kết hợp vận chuyển người lao động về quê cách ly y tế tập trung.

Tỉnh Quảng Nam cũng đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất để đón người từ Thành phố Hồ Chí Minh về theo đúng quy định.

Hai ngày qua, các Chi hội Nông dân ở xã Quế Long, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam luôn tất bật với công việc tiếp nhận, đóng gói hàng tấn sản phẩm các mặt hàng thiết yếu như gạo, các loại rau, củ, quả, mỳ tôm, dầu ăn, nước mắm, trứng gà gửi vào giúp đỡ người dân và công nhân lao động tại các khu dân cư, khu cách ly tập trung, khu vực bị phong tỏa ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đảm bảo các mặt hàng thiết yếu không bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, bà con thực hiện phân loại từng nhóm sản phẩm phù hợp trước khi đóng gói.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quế Sơn Lý Xuân Phong chia sẻ, sau 2 ngày phát động, huyện đã huy động được trên 20 tấn hàng hóa, nông sản thiết yếu để hỗ trợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục