Dịch COVID-19 khiến người Trung Quốc thay đổi thái độ ứng xử

Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, người dân Trung Quốc đã quan tâm nhiều hơn đến các quy ước và không chấp nhận hành vi mang tính cá nhân chủ nghĩa.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 xuất viện sau khi được chữa khỏi tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 19/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 xuất viện sau khi được chữa khỏi tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 19/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm cho thái độ ứng xử của người dân Trung Quốc thay đổi theo hướng không dung thứ cho các hành vi theo chủ nghĩa cá nhân và gia tăng xu hướng ghi nhận những đóng góp của người khác.

Đây là kết quả thăm dò tại Trung Quốc trong khuôn khổ cuộc khảo sát toàn cầu do công ty nghiên cứu Glocalities có trụ sở tại Đức tiến hành nhằm thu thập dữ liệu thể hiện niềm tin và các giá trị khi dịch bệnh bùng phát, qua đó cho phép công ty này đưa ra những đánh giá về sự thay đổi thái độ của hàng chục triệu người dân Trung Quốc trong thời gian bị phong tỏa vì COVID-19.

Cuộc khảo sát trực tuyến trên được Glocalities thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 23/1-13/3 vừa qua, với sự tham gia của 2.022 người Trung Quốc.

[Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế đi lại ở tỉnh Hồ Bắc sau 2 tháng phong tỏa]

Kết quả cho thấy người dân Trung Quốc đã quan tâm nhiều hơn đến các quy ước, không chấp nhận hành vi mang tính cá nhân chủ nghĩa.

Đại đa số trở nên coi trọng trật tự và cấu trúc hơn, tin tưởng hơn vào giáo dục và các thể chế, cũng như đánh giá cao hơn những đóng góp của người khác.

Theo Giám đốc nghiên cứu Martijn Lampert của Glocalities, cuộc khảo sát cho thấy nỗi thống khổ và bi kịch của những người đã tử vong do COVID-19 đang thiết lập lại những nền tảng căn bản cho người dân trên khắp thế giới.

Khi bị cách ly, người ta biết coi trọng người khác hơn, đặc biệt là quý trọng những người ở tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch. Điều này có vẻ phổ biến và xảy ra tại tất cả các nước bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát riêng phản ứng trước và sau ngày 5/2 nhằm so sánh kết quả của việc phong tỏa.

Theo đó, trước ngày 5/2 có 67% số người được khảo sát cho rằng "quy ước và các quy định về thái độ ứng xử tốt là điều quan trọng đối với bản thân." Con số này sau ngày 5/2 lên tới 79%.

Khi được hỏi "nếu bạn dành cho người khác quá nhiều sự tự do, liệu họ có lạm dụng điều đó?" 48% người được khảo sát trước ngày 5/2 đồng tình, còn sau ngày 5/2 là 59%.

Sự thay đổi lớn nhất là các số liệu thể hiện lòng tin. Kết quả khảo sát cho thấy nếu như trước ngày 5/2 chỉ có 71% người được khảo sát tin vào giáo dục, con số này sau ngày 5/2 đã tăng lên mức 82%.

Tương tự, chỉ số niềm tin vào các nhân viên công quyền Trung Quốc tăng từ 42% lên 54%, trong khi chỉ số đối với các công ty Trung Quốc tăng từ 55% lên mức 70%.

Mức đánh giá đối với doanh nhân tỷ phú, cũng là một nhà tài trợ từ thiện lớn, Jack Ma cũng tăng lên đáng kể. Tương tự, nhà sáng lập hệ thống bán lẻ trực tuyến Alibaba, các tỷ phú tại châu Âu và Mỹ cũng nhận được tỷ lệ ủng hộ cao.

Giám đốc Lampert kết luận "cuộc khảo sát xu hướng khi bị phong tỏa cho thấy các nhà từ thiện là các tỷ phú và các công ty ở tất cả các quốc gia có cơ hội lớn để hỗ trợ cho các chính phủ, nhân viên y tế và các cộng đồng trong việc giành lại mạng sống cho người dân, chiến đấu chống dịch bệnh và tái cấu trúc xã hội"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục