Điểm sáng thực hiện chương trình giảm nghèo tại TP. Hồ Chí Minh

Với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, Chương trình giảm nghèo theo tiêu chí mới của TP.HCM trong giai đoạn 2014-2015 đã đạt được những kết quả tích cực, mang tính lan tỏa.
 Điểm sáng thực hiện chương trình giảm nghèo tại TP. Hồ Chí Minh ảnh 1Ban vận động Quỹ vì người nghèo thành phố phối hợp cùng Hội Chữ thập Đỏ thăm và tặng quà tết cho người nghèo ở xã Bình Hưng. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương dẫn đầu cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá theo tiêu chí mới của thành phố trong giai đoạn 2014-2015 đã đạt được những kết quả tích cực, mang tính lan tỏa.

Nhiều địa phương đã có cách làm hay giúp bà con nâng cao thu nhập, thoát nghèo để ổn định cuộc sống. Trong đó, quận 5 là địa phương đã về đích đầu tiên, cả quận không còn hộ nghèo nào có thu nhập trung bình dưới 16 triệu đồng/người/năm.

Theo đánh giá của ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, chính sự nỗ lực và quyết tâm của Đảng bộ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, quận 5 đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo, tăng hộ khá trong giai đoạn mới.

Hoạt động của Ban giảm nghèo từ cấp quận tới phường đã thực sự sâu sát vào thực tế đời sống, nắm bắt được nhu cầu của các hộ gia đình để tìm ra những giải pháp tích cực, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo giai đoạn 2014-2015.

Hỗ trợ sát với nhu cầu thực tế

Trước đó, đầu năm 2014, quận có 90 hộ nghèo với 310 nhân khẩu. Để thực hiện có hiệu quả chương trình, chính quyền địa phương, Ban giảm nghèo quận đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trợ cấp học bổng.

Dựa trên hoàn cảnh, nhu cầu thực tế của người nghèo mà chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp hỗ trợ cụ thể.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, bà Lou Hàn Cánh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 5 chia sẻ công tác điều tra khảo sát, nắm bắt hoàn cảnh và nhu cầu thực tế của từng hộ nghèo là điều rất quan trọng. Bởi lẽ dựa trên cơ sở đó, chính quyền địa phương mới đưa ra được những biện pháp hỗ trợ thiết thực, linh hoạt giúp người dân.

Cụ thể như đối với hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế sẽ được tư vấn vay vốn, mô hình làm ăn. Còn hộ không có lao động, không có nguồn thu nhập thì không thể hỗ trợ bằng cách cho vay vốn mà địa phương sẽ trợ cấp bảo trợ xã hội thông qua các Quỹ "Vì người nghèo," các hội đoàn, hội quán và vận động từ các nhà hảo tâm.

Với những gia đình có con trong độ tuổi đi học sẽ được tư vấn vay vốn dành cho học sinh, sinh viên để họ có điều kiện tiếp tục cho con em đến trường.

Để đảm bảo nguồn quỹ hỗ trợ cho các hộ nghèo, quận 5 đã sử dụng hiệu quả, quản lý chặt chẽ, đúng quy định nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo, bổ sung thêm nguồn Quỹ "Xóa đói giảm nghèo" từ 100-200 triệu đồng trích từ nguồn tiết kiệm ngân sách.

Cùng với đó, các phường cũng tập trung huy động nguồn lực tại chỗ và vận động các nhà hảo tâm tham gia hỗ trợ, giải quyết kịp thời các nhu cầu vay vốn của hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Gia đình bà Đường Hươu Lan, ngụ phường 5, có bảy nhân khẩu, trước đây không có nguồn thu nhập chính nên cuộc sống rất khó khăn. Gia đình bà được vay vốn từ chương trình giảm nghèo với tổng số tiền gần 100 triệu đồng làm hàng gia công, người con trai được vay vốn hỗ trợ để đi xuất khẩu lao động. Hiện tại trung bình thu nhập của gia đình đã đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng, điều kiện sống của gia đình đã được cải thiện đáng kể, dần ổn định.

Cũng như gia đình bà Đường Hươu Lan, rất nhiều hộ nghèo khác ở quận 5 cũng được chính quyền địa phương trợ vốn làm ăn thông qua nhiều nguồn quỹ.

Cùng với những chính sách hỗ trợ về vốn, Ban Giảm nghèo của quận còn phối hợp chặt chẽ các đoàn thể ở địa phương, đến với từng hộ nghèo để hướng dẫn cách phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập ổn định và lâu dài.

Ở đây, vai trò của Tổ tự quản giảm nghèo, cán bộ chuyên trách giảm nghèo tại mỗi phường được phát huy trong việc thường xuyên theo dõi cập nhật về tình hình đời sống của các hộ nghèo, giám sát sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và đề xuất những biện pháp hỗ trợ thiết thực, kịp thời.

Sự đồng thuận của người dân

Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương, công tác giảm nghèo của quận còn nhận được sự hưởng ứng của các tổ chức kinh tế, xã hội, các mạnh thường quân, sự tương trợ lẫn nhau của các hộ nghèo, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của chính những hộ nghèo. Do đó, chương trình hoàn thành sớm và đạt kết quả bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Bí thư kiêm Chủ tịch phường 6, cho biết công tác tuyên truyền vận động, lồng ghép các chương trình chăm lo, giải quyết khó khăn cho người nghèo, qua đó chủ trương giảm nghèo đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng và sự đồng thuận ủng hộ của các đơn vị, tổ chức xã hội, các mạnh thường quân...

Các Tổ tự quản giảm nghèo cũng có những cách làm hay. Bà Nguyễn Thúy Phượng, Tổ trưởng Tổ tự quản số 1, phường 6, cho biết tổ này còn vận động chính những người nghèo đóng góp cho Quỹ tương trợ; quỹ này cho vay không lãi suất khi gia đình trong tổ xảy ra công việc đột xuất như ốm đau, bệnh tật. Với mục đích thiết thực đó, quỹ cũng huy động được sự đóng góp từ các hộ gia đình khá giả trong phường.

Vai trò tham gia của cộng đồng cũng được phát huy, các nhà hảo tâm đã tham gia tích cực trong công tác giảm nghèo của địa phương bằng việc hỗ trợ hàng tháng cho các hộ gia đình không có khả năng phát triển kinh tế.

Như gia đình anh Đặng Quang Minh ở phường 14, có bốn nhân khẩu, hai con của anh đang trong độ tuổi đi học còn vợ anh bị mắc bệnh tâm thần dạng nhẹ. Trước đây, gia đình anh sống dựa vào nguồn thu chính từ nghề xe ôm với thu nhập bấp bênh do công việc không ổn định.

Anh Minh cho biết, chính quyền địa phương đã giới thiệu anh tới chở hàng thuê cho cơ sở kinh doanh trên địa bàn, nhờ vậy mà thu nhập của anh được tăng lên và ổn định hơn, còn vợ anh cũng được gia đình hàng xóm nhận vào giúp việc với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, gia đình anh còn nhận được sự hỗ trợ các mạnh thường quân với số tiền 700.000 đồng/tháng, giúp bảo đảm cuộc sống gia đình.

Hiện quận 5 vẫn còn 185 hộ cận nghèo (có thu nhập từ 16-21 triêu đồng/người/năm). Bà Lou Hàn Cánh cho biết, thời gian tới quận tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm không tái nghèo; nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác giảm nghèo, nhất là người nghèo tự vươn lên giảm nghèo; đảm bảo thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ toàn diện để các hộ cận nghèo dần nâng mức thu nhập, điều kiện sống, trong đó tập trung các giải pháp chính yếu như học nghề, giới thiệu và tạo việc làm, trợ vốn phát triển kinh tế.

Tiếp theo quận 5, quận 11 và quận 6 cũng đang cố gắng hoàn thành chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá trước thời hạn một năm.

Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai các giải pháp phát triển kinh tế đi đôi với giảm nghèo bền vững và căn cơ; tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn sản xuất và dịch vụ xã hội cơ bản; huy động, bố trí nguồn lực tập trung cho các địa bàn trọng điểm và các hoạt động ưu tiên...

Thành phố phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 2-2,5%, đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3% tong số hộ dân của thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục