Điều cẩu nổi công suất lớn nhất Việt Nam đến vụ sập cầu Ghềnh

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam điều động khẩn cấp 2 cẩu nổi công suất lớn tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả vụ tai nạn khiến cầu Ghềnh bị sập.
Điều cẩu nổi công suất lớn nhất Việt Nam đến vụ sập cầu Ghềnh ảnh 1Công tác cứu hộ, khắc phục sự cố vẫn đang được triển khai tại hiện trường vụ sập cầu Ghềnh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, sáng 23/3, đơn vị đã điều động khẩn cấp 2 cẩu nổi công suất lớn đang thi công cầu Bình Khánh (Gói thầu J1) của dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả vụ tai nạn khiến cầu Ghềnh bị sập.

Cụ thể, chiếc sà lan thứ nhất có tải trọng 3.800 tấn đã di chuyển từ công trường cầu Bình Khánh (huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) qua cảng Lotus để vận chuyển cẩu nổi công suất 500 tấn (lớn nhất tại Việt Nam hiện nay). Sà lan thứ hai 1.600 tấn đã có sẵn cẩu nổi công suất 150 tấn cùng lên đường đến cầu Ghềnh để kịp thời hỗ trợ khẩn cấp việc sửa chữa cây cầu này.

“Mặc dù việc di chuyển 2 cẩu có ảnh hưởng đến tiến độ thi công trụ cầu Bình Khánh, nhưng chủ đầu tư VEC và nhà thầu thi công với tinh thần sẵn sàng gánh vác và sẻ chia khó khăn, nhanh chóng giải quyết ùn tắc giao thông thủy trên sông Đồng Nai và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế-xã hội,” ông Đỗ Chí Chung khẳng định.

Trước đó, vào lúc 11 giờ 35 phút trưa ngày 20/3, tàu kéo sà lan (chưa biết số hiệu) từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại km1699+860 thuộc khu gian Biên Hòa-Dĩ An) làm gãy trụ cầu và làm sập hai nhịp 2 và 3 của cầu.

Cụ thể, vụ đâm đã làm nhịp 3 bị rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp 2 đầu Nam rơi xuống sông, đầu Bắc rơi gác lên trụ số 1. Vụ tai nạn đã khiến xà lan bị lật úp trên sông. Tuyến đường sắt Bắc-Nam bị tê liệt và ngành đường sắt phải chuyển tải hành khách đoạn từ Sài Gòn-Biên Hòa và ngược lại.

Ngoài ra, hàng trăm tàu, ghe chở vật liệu xây dựng đã bị ùn ứ khu vực thượng lưu và hạ lưu cầu Ghềnh vì không thể lưu thông qua khu vực này.

Đối với việc trục vớt nhịp cầu bị gãy rơi xuống sông Đồng Nai, hiện có 2 công ty trình bày phương án trục vớt, cắt nhỏ từng khối đưa vào bờ và phương án cắt toàn bộ, cẩu đưa vào bờ. Trong đó, một đơn vị đề xuất chi phí trục là 12,5 tỷ đồng. Đề nghị địa phương bố trí địa điểm để di chuyển khối thép vào bờ.

Công tác khắc phục hậu quả cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai đang được Bộ Giao thông Vận tải, ngành đường sắt và tỉnh Đồng Nai khẩn trương tiến hành. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, công việc này sẽ còn kéo dài và có thể phải mất từ 3-5 tháng mới thông được tuyến đường sắt Bắc-Nam. Dự kiến, ngày 15/7 sẽ thông tuyến đường sắt Bắc-Nam./.

Cầu Ghềnh được xây dựng hơn 100 năm trước; dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô. Đây là cây cầu huyết mạch của tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Cách đây hơn 5 năm, vào ngày 6/2/2011 (mùng 4 Tết âm lịch) tại gác chắn xe lửa cầu Ghềnh đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết và bị thương.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục