Đô thị Du lịch Cần giờ: Tác động môi trường đã được tính toán kỹ lưỡng

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, xây Khu Đô thị Du lịch biển Cần Giờ là mong muốn của lãnh đạo, nhân dân cũng như nhân dân Cần Giờ, đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM xem xét cân nhắc từ năm 2000.
Đô thị Du lịch Cần giờ: Tác động môi trường đã được tính toán kỹ lưỡng ảnh 1Những cánh rừng bạt ngạt xanh ngút tầm mắt dọc tuyến đường huyết mạch Rừng Sác-Cần Giờ. (Nguồn: Mạnh Linh/TTXVN)

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) liên quan đến trách nhiệm đánh giá tác động môi trường tại Dự án Khu Đô thị Du lịch biển Cần Giờ, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định đây là dự án quan trọng, song nếu để xảy ra sự cố môi trường sẽ phải dừng hoạt động.

Đánh giá thêm về Khu Đô thị Du lịch biển Cần Giờ và các biện pháp giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng dự án này là mong muốn của lãnh đạo và nhân dân Thành phố cũng như nhân dân Cần Giờ, đã được Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, cân nhắc từ đầu những năm 2000 đến nay.

Vì thế, mặc dù UNESCO Việt Nam và Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đều đã xác định dự án hoàn toàn nằm ngoài Khu Dự trữ Sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ - là nơi cho phép tiến hành các hoạt động kinh tế, nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn rất thận trọng; luôn ý thức rõ trách nhiệm trong quá trình thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, việc thực hiện dự án phải đảm bảo hai nguyên tắc cơ bản: thực hiện dự án để phát triển kinh tế nhưng phải giữ được Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ; cũng như phải có các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với dòng chảy, xói lở, thoát lũ, ô nhiễm môi trường.

[Nhiều nhà đầu tư đang lợi dụng chuyển nhượng căn hộ du lịch để thu lợi]

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xác định các vấn đề môi trường chính của dự án bao gồm: Tác động đến đa dạng sinh học, rừng ngập mặn Cần Giờ; tác động đến xói lở, bồi lắng; thay đổi dòng chảy, thoát nước cho Thành phố Hồ Chí Minh; khai thác vật liệu san lấp; nước thải, rác thải của khu đô thị lớn.

Ngoài ra, những tác động của dự án này cũng đã được tính toán hết sức kỹ lưỡng và còn tiếp tục được xem xét, đánh giá trong các giai đoạn tiếp theo của dự án.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã yêu cầu giám sát quan trắc tự động liên tục và giám sát định kỳ các thông số: Lưu lượng dòng chảy, pH, chất thải rắn lơ lửng, độ đục, độ mặn trên 2 cửa sông Đồng Tranh và Lòng Tàu; phối hợp với Ban Quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ giám sát số lượng, thành phần loài định kỳ 3 tháng/lần.

Về trách nhiệm của cá nhân và cơ quan liên quan để đảm bảo môi trường khi thực hiện dự án, Quyết định Phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đã phân công cụ thể các công việc cần triển khai của chủ đầu tư và các cơ quan liên quan. Trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trong Báo cáo ĐTM, Quyết định phê duyệt ĐTM, các quy định khác về bảo vệ môi trường, đảm bảo mọi hoạt động của dự án phải dựa trên sự phát triển bền vững sinh thái, bảo tồn nguyên vẹn rừng ngập mặn Cần Giờ.

“Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện theo đúng yêu cầu về bảo vệ môi trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu để xảy ra sự cố môi trường thì phải dừng hoạt động,” đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục