Doanh nghiệp Việt Nam cùng tỉnh Attapeu của Lào xóa đói giảm nghèo

Mỗi năm Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Khanxay, thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch trị giá trên 30 triệu USD, giúp người dân tỉnh Attapeu có thu nhập ổn định.
Doanh nghiệp Việt Nam cùng tỉnh Attapeu của Lào xóa đói giảm nghèo ảnh 1Công nhân Công ty Khanxay, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại tỉnh Attapeu đưa chuối về Nhà máy chế biến sau khi thu hoạch. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trong những năm qua, việc tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm hữu cơ trên thế giới có xu hướng gia tăng mạnh mẽ và đang ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng.

Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều nhà đầu tư Việt Nam tại Lào đã và đang đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Điều này không chỉ giúp họ có đầu ra tốt cho sản phẩm, mà còn đem lại thu nhập ổn định và khá cao theo mặt bằng thu nhập của người dân Lào, đặc biệt còn giúp người dân ở vùng sâu vùng xa của Lào thay đổi tập quán, thói quen canh tác, làm quen với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, qua đó hỗ trợ ổn định cuộc sống lâu dài.

Với hơn 1.000ha đất trồng chuối hữu cơ công nghệ cao nằm tại huyện Xaysettha, tỉnh Attapeu, mỗi năm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông nghiệp Khanxay, thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch với trị giá khoảng trên 30 triệu USD.

Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Lào, ông Nguyễn Chí Thắng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông nghiệp Khanxay, cho biết trong bối cảnh nhu cầu các sản phẩm hữu cơ của thị trường Trung Quốc và thế giới ngày càng tăng cao, cung không đủ cầu, Chính phủ Lào cũng đang khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Trong khi đó, ở Lào đất rộng, người thưa, người dân xưa nay hầu như không có thói quen sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, quỹ đất sạch, liền thửa còn nhiều, rất phù hợp với việc phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài ra, việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch còn giúp công ty sản xuất ra các mặt hàng hữu cơ có giá trị thặng dư cao, đồng thời giúp bảo vệ nguồn đất, nguồn nước và môi trường sống của người dân, phù hợp với chính sách phát triển nông nghiệp bền vững của Chính phủ Lào.

Theo ông Nguyễn Chí Thắng, thời tiết ở tỉnh Attapeu nắng nóng nên mỗi năm chuối ở khu vực này có thể cho thu hoạch 2 vụ. Với tỷ lệ trồng khoảng 2.500 cây chuối/ha trên diện tích 1.200ha chuối hiện có, mỗi năm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông nghiệp Khanxay có thể xuất khẩu khoảng 60.000 tấn chuối hữu cơ.

Với mức giá trung bình khoảng 450 USD/tấn, mỗi năm chỉ riêng chuối xuất khẩu đã đem về cho công ty khoảng gần 27 triệu USD.

Đối với khoảng 40% số chuối không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu còn lại, công ty chế biến thành thức ăn chăn nuôi xuất khẩu và nuôi bò, gà ta và lợn thả rông, đem lại nguồn thu nhập tăng thêm khoảng 6 triệu USD/năm.

[Công ty Việt Nam tại Lào gắn kết tình hữu nghị hai đất nước]

Trước tiềm năng và nhu cầu ngày càng lớn của thị trường về các sản phẩm hữu cơ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông nghiệp Khanxay hiện đang xin thêm chính quyền tỉnh khoảng 500ha đất để mở rộng diện tích cây trồng hữu cơ.

Hướng đi mới của công ty đã góp phần tạo thu nhập cao và ổn định cho lao động địa phương.

Trường hợp chị Keo Khounlakhone, quê ở huyện Samakhixay, tỉnh Attapeu, là một ví dụ điển hình. Chị đã trở về quê sau 9 năm lưu lạc, xuống tận thủ đô Vientiane cách đó gần 1.000km để làm công nhân trong một công ty may mặc của Pháp với mức thu nhập khoảng 3 triệu kíp/tháng.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, công ty đóng cửa và chị phải trở về quê. Tuy nhiên, chị Keo Khounlakhone không thể ngờ rằng ở quê nhà cũng có việc với mức thu nhập tương đương hoặc thậm chí còn cao hơn ở thủ đô.

Doanh nghiệp Việt Nam cùng tỉnh Attapeu của Lào xóa đói giảm nghèo ảnh 2Hoạt động sản xuất tại Nhà máy chế biến chuối hữu cơ của Công ty Khanxay, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại tỉnh Attapeu, Nam Lào. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, chị Keo cho biết 9 năm ở Vientiane, chị thỉnh thoảng mới dám về nhà vì đường xa, chi phí tốn kém.

Nay trở về quê nhà vào làm việc tại nhà máy chế biến chuối của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông nghiệp Khanxay, chị vừa có thu nhập cao, vừa được gần gia đình.

Chị tâm sự: “Làm việc ở đây rất vui, vừa gần nhà mà lương cũng trên 3 triệu kip/tháng như làm cho công ty Pháp ở Vientiane. Ngoài ra, công ty Việt Nam còn hỗ trợ thực phẩm và gạo hằng tháng cho công nhân nữa. Tôi vui lắm.”

Suốt từ bé chỉ biết gắn với ruộng, nương, làm việc quần quật, quanh năm vất vả nhưng thu nhập bấp bênh, cuộc sống vẫn thiếu thốn muôn bề, anh Xong Xayavong ở huyện Xekamane cảm thấy vô cùng sung sướng bởi kể từ khi vào làm việc ở công ty, với mức thu nhập trung bình như trên, anh chẳng những tự lo chi phí trang trải cuộc sống mà còn có tiền giúp đỡ gia đình.

Anh Xong Xayavong nói sau khi làm việc cho công ty hơn 1 năm, cuộc sống của anh khấm khá hơn hẳn và hiện chỉ mong muốn được làm việc cho công ty lâu dài, vì ngoài lương, lãnh đạo công ty Việt Nam còn hỗ trợ gạo, thực phẩm hằng tháng, cung cấp chỗ ở cho các gia đình và rất quan tâm tới đời sống của công nhân.

Tương tự như anh Xong Xayavong, vợ chồng anh Sai Vanouvong ở bản Hatxan, huyện Xaysettha trước đây cũng chỉ biết làm nương, cuộc sống rất khó khăn.

Kể từ khi làm việc cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông nghiệp Khanxay, với mức thu nhập của hai vợ chồng khoảng trên 6 triệu kip/tháng, đời sống của gia đình anh thay đổi hẳn.

Anh Sai bộc bạch: “Trước đây, cuộc sống ở bản chỉ là làm nương khó khăn lắm. Làm ở đây rất vui và yên tâm. Lãnh đạo công ty Việt Nam rất tốt. Thu nhập của chúng tôi cao hơn rất nhiều so với làm ở bản."

Từng là công nhân xây dựng tự do, nay đây mai đó, lúc có việc, lúc không, anh Keo Kittixay, huyện Khong, tỉnh Champasak (cách huyện Xaysettha, tỉnh Attapeu khoảng hơn 300km) bày tỏ kể từ khi vào làm công nhân thu hoạch chuối ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông nghiệp Khanxay, anh vừa có công việc ổn định, vừa được công ty bố trí chỗ ở cho gia đình, lại có thu nhập ổn định từ 3,5 triệu kip-5 triệu kip/tháng. Chính vì vậy, anh rất vui và muốn gắn bó lâu dài cùng công ty.

Theo Giám đốc Nguyễn Chí Thắng, công ty hiện đang tạo công ăn việc ổn định cho khoảng 900 lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 3-5 triệu kip.

Ngoài các chính sách hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nơi ăn ở, phương tiện đưa đón, công ty còn hỗ trợ chữa trị miễn phí các trường hợp bị ốm, tai nạn lao động.

Các bệnh nhân nhẹ sẽ được điều trị tại Bệnh viện Attapeu, cũng do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tài trợ, nếu nặng sẽ chuyển về Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai ở tỉnh Gia Lai. Đây cũng là lý do nhiều lao động địa phương rất muốn làm việc lâu dài với công ty.

Trao đổi với các phóng viên TTXVN, ông Thanousay Bansalth, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu, đánh giá cao hiệu quả của các dự án đầu tư của Việt Nam tại tỉnh, đặc biệt là các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Ông nhấn mạnh các dự án này không chỉ giúp người dân thay đổi thói quen canh tác, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tạo thu nhập và việc làm ổn định cho người dân, mà còn tạo ra nhiều mặt hàng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho tỉnh và cho Lào.

Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Lào, ông Khamjane Vongphosi cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã hỗ trợ Lào nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác-đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hàng hóa nông sản sạch và bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, trong đó có dự án phát triển nông nghiệp hỗn hợp của Công ty Hoàng Anh Attapeu, Dự án nuôi bò tại tỉnh Xiengkhuang và nhiều dự án khác, mang lại kết quả rất tốt….

Các dự án nói trên không chỉ có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế-xã hội và chính trị, mà còn góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo của nhân dân các dân tộc Lào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục