Đổi mới dạy nghề nhằm cải thiện năng suất lao động

Chất lượng dạy nghề chưa cao là nguyên nhân khiến Việt Nam bị tụt giảm nhanh chóng về năng suất lao động trong những năm gần đây.

Chất lượng dạy nghề chưa cao, bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi dạy nghề, việc quản lý đào tạo nghề còn hạn chế là những nguyên nhân khiến Việt Nam bị tụt giảm nhanh chóng về năng suất lao động trong những năm gần đây.


["VN cần cuộc cách mạng về năng suất lao động"]

Đây là nhận định của ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam tại  hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 23/8.

Theo ông Gyorgy Sziraczki, do hạn chế về kỹ năng nghề, năng suất lao động của Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn hơn 3%/năm (2008) so với 5 năm trước đó là 5,2%.  Đặc biệt, năng suất lao động của Singapore hiện nay đang cao hơn Việt Nam gấp 15 lần, Nhật Bản cao hơn gấp 11 lần và Hàn Quốc cao hơn gấp 10 lần.

Ngay cả trong các nước ASEAN thì Việt Nam cũng đang có khoảng cách lớn về năng suất lao động với các nước khác, chẳng hạn, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia và bằng 1/2 của Thái Lan.

Mặt khác, theo Báo cáo mới nhất về Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012-2013 (Global Competitiveness Report 2012- 2013) thì Việt Nam đã tụt 16 hạng so với 2 năm trước đây và là quốc gia thuộc nhóm 3 nước có thứ hạng thấp nhất trong số các thành viên ASEAN. Lý do chủ yếu của sự tụt hạng trong tính cạnh tranh được các chuyên gia đánh giá chủ yếu là do kỹ năng nghề của lao động còn yếu kém và chưa có sự cải thiện đáng kể.

Ông Gyorgy Sziraczki cho rằng, sửa đổi Luật dạy nghề lần này sẽ đưa ra rất nhiều cơ hội mới để Việt Nam tạo ra một tầm nhìn chiến lược hơn trong phát triển lực lượng lao động, xác định lại các mục tiêu trong xây dựng hệ thống dạy nghề.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi cũng thừa nhận: “Sau hơn 5 năm áp dụng, Luật dạy nghề đã đã bộc lộ nhiều hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Sau nhiều lần thảo luận, đến nay ban soạn thảo đã xác định có 56 vấn đề cần nghiên cứu, thảo luận. Việc sửa đổi, bổ sung luật sẽ gắn với tư tưởng đổi mới, hướng tới chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hợp tác quốc tế để phù hợp hơn với các văn bản pháp luật khác, tạo ra hệ thống pháp luật dạy nghề đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở thực hiện tốt Chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020.”

Đóng góp ý kiến vào quá trình sửa đổi Luật dạy nghề, ông Gyorgy Sziraczki nhấn mạnh, quá trình sửa đổi cần tập trung vào các vấn đề: Chất lượng đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; có sự tham gia cao hơn từ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành công nghiệp vào dạy nghề; các cơ quan quản lý, điều phối có trách nhiệm cao hơn; có khả năng tiếp cận cao hơn với các nhóm yếu thế như phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…

Dự thảo Luật dạy nghề tập trung vào việc sửa đổi các nội dung về trình độ dạy nghề, thời gian học nghề, hình thức cấp chứng chỉ nghề, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong dạy nghề, sử dụng Quỹ phát triển dạy nghề… Dự thảo này sẽ tiếp tục được lấy ý kiến của các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân để hoàn thiện trình quốc hội vào năm 2014./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục