Đối thoại Di sản chiến tranh Việt Nam, Lào và Campuchia

Đối thoại nhằm thúc đẩy việc khắc phục hậu quả chiến tranh và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam, Lào và Campuchia trong bối cảnh có những cơ hội mới.
Đối thoại Di sản chiến tranh Việt Nam, Lào và Campuchia ảnh 1Thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong các ngày 12-13/10 tại thủ đô Washington D.C., Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) đã tổ chức Đối thoại Di sản chiến tranh Việt Nam, Lào và Campuchia.

Hoạt động này nằm trong chuỗi đối thoại liên quan đến khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng hòa bình trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, Hoa Kỳ với Lào và Campuchia.

Sự kiện này bao gồm các phiên toàn thể và các phiên chuyên đề.

[Ấm lòng sự ủng hộ với cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam]

Mục đích của phiên toàn thể là thúc đẩy việc khắc phục hậu quả chiến tranh và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam, Lào và Campuchia trong bối cảnh có những cơ hội mới.

Tại phiên đối thoại chuyên đề Hoa Kỳ-Việt Nam, tham gia sự kiện, đoàn Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng; Đại sứ-Chủ tịch Hội Việt Nam-Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh; Đại sứ-Chủ tịch Tổ chức Hòa bình và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh Tôn Nữ Thị Ninh; Trung tướng-Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam Hoàng Khánh Hưng.

Phiên đối thoại chuyên đề còn có một số người Việt, một số người Hoa Kỳ gốc Việt tham dự với tư cách cá nhân, tham gia trong các lĩnh vực hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, những người thuộc các tổ chức xã hội khác nhau của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ.

Theo đánh giá của Viện Hòa bình Hoa Kỳ, Việt Nam hiện là nước có thu nhập trung bình với dân số trẻ, năng động và một tương lai đầy hứa hẹn.

Việt Nam đang vươn lên như một cường quốc mới nổi ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là đối tác ngày càng quan trọng của Hoa Kỳ.

Việc khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn là một phần rất quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Các phiên chuyên đề do các chuyên gia tham dự đề cập đến vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ cộng đồng, chất độc da cam/dioxin, tìm kiếm người Hoa Kỳ mất tích và thỏa thuận mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích.

Trong ngày làm việc đầu tiên, ở cả phiên toàn thể cũng như các phiên chuyên đề đều nhấn mạnh vào các nội dung:

Một là, cuộc chiến tranh xảy ra là một điều rất đáng tiếc và đã gây ra đau thương cho cả hai bên. Việc hàn gắn vết thương chiến tranh trên tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng đồng thời cũng phải thừa nhận thực tại của quá khứ để hợp tác khắc phục những hậu quả.

Hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua đã có đà phát triển tốt, tạo cơ sở cho xây dựng lòng tin, hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương.

Hai là, phía Hoa Kỳ cũng nhận thấy sự hợp tác từ phía Việt Nam trong việc tìm kiếm các quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ngay từ đầu, kể từ trước khi chưa có quan hệ ngoại giao giữa hai nước, thì Việt Nam với tinh thần nhân đạo đã làm rất tích cực và có trách nhiệm. Điều đó tạo cho quan hệ giữa hai nước ngày càng hiểu biết hơn.

Thứ ba, Hoa Kỳ ngày càng hợp tác và giúp đỡ hiệu quả đối với Việt Nam trong vấn đề rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ, tẩy độc da cam/dioxin với việc hoàn thành dự án lớn tại Đà Nẵng, đồng thời đang thực hiện dự án lớn hơn nữa là tẩy độc sân bay Biên Hòa, cùng với việc giúp đỡ các nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Về sáng kiến mới giữa hai bên liên quan đến tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích, hai bên sẽ phải bàn bạc và thúc đẩy rất nhiều.

Dự kiến có một số trụ cột quan trọng: Một là, tìm kiếm và đối chiếu hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ lưu trữ tại các trường đại học và các trung tâm lưu trữ của Hoa Kỳ để qua đó, phía Hoa Kỳ có thể chia sẻ với Việt Nam phục vụ cho hoạt động tìm kiếm.

Hai là, tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là các cựu binh của hai phía để họ cung cấp thông tin, lưu trữ cá nhân về những nơi có thể có bộ đội Việt Nam mất tích.

Ba là, Hoa Kỳ cũng tăng cường giúp đỡ Việt Nam về khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ giải mã ADN, để xác định danh tính quân nhân mất tích.

Do vậy, mục đích của hội thảo này là thu thập các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội về tất cả các hoạt động trên, từ đó xây dựng các kiến nghị với chính phủ hai nước.

Phiên thảo luận trong ngày thứ hai tập trung đặt quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong bối cảnh mới, qua đó xem xét và định hướng phát triển quan hệ song phương và việc khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là một phần quan trọng trong không gian hợp tác mới giữa hai nước.

Sáng kiến hòa giải và khắc phục hậu quả chiến tranh của USIP đã được tổ chức lần đầu theo hình thức trực tuyến vào năm 2019 và sau hai năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, USIP sẽ tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại hàng năm để nêu bật các bài học kinh nghiệm Việt Nam-Hoa Kỳ để có thể áp dụng cho những nơi khác trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục