Chiều 7/9, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội khai mạc các hoạt động văn hóa “Tết Trung Thu truyền thống năm 2022” tại phố bích họa Phùng Hưng.
Theo Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan, các hoạt động này nhằm tôn vinh các nghệ nhân, các thợ thủ công - những người đã hết lòng với nghề truyền thống của gia đình, của làng nghề.
Bên cạnh đó, đây là một sân chơi ý nghĩa, bổ ích, thú vị, giúp các em thiếu nhi tìm hiểu về các đồ chơi truyền thống, tham gia vào các trò chơi dân gian; góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa cổ truyền của cha ông, cũng như được sống trong không khí của Tết Trung Thu truyền thống.
[Loạt sự kiện ‘phá cỗ Trung Thu online’ trên các sàn thương mại điện tử]
“Các hoạt động này không chỉ giúp thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, mà còn góp phần đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản trên địa bàn, hướng tới giáo dục thế hệ trẻ có ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, hình thành thế hệ công dân hiểu biết về văn hóa di sản và có sức sáng tạo trên nền tảng đó,” bà Trần Thị Thúy Lan phát biểu.
Tại phố bích họa Phùng Hưng, gian hàng đèn ông sao của bà Nguyễn Thị Tuyến, làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tấp nập khách tham quan. Bà Tuyến không chỉ giới thiệu những chiếc đèn ông sao lung linh sắc màu mà còn mang đến lễ hội rất nhiều khung đèn và vật liệu để làm thành một chiếc đèn hoàn chỉnh.
“Theo gợi ý từ Ban tổ chức, tôi mang đến đây cả vật liệu làm đèn để khách tham quan, đặc biệt là các em thiếu nhi có cơ hội trải nghiệm một số công đoạn làm đèn ông sao truyền thống,” bà Tuyến chia sẻ.
Vừa dán những mảnh giấy màu rực rỡ lên khung, bà vừa giải thích ý nghĩa món đồ chơi này. Hình ảnh ngôi sao 5 cánh được bao bọc bởi vòng tròn tượng trưng cho ngũ hành âm dương trong phong thủy, vì thế chiếc đèn ông sao tượng trưng cho sự cân bằng và hài hòa của các mối quan hệ trong đời sống, giữa người với người và giữa người với thiên nhiên vạn vật.
“Cứ mỗi độ Trung Thu, gia đình tôi lại tất bật ngày đêm với những món đồ chơi dân gian, nào đèn ông sao, đèn con thỏ, con cá, con tôm, ông tiến sỹ giấy… Trung Thu năm nay đến khi dịch bệnh đã tạm lắng nên thị trường cũng ‘hồi sinh’ trở lại,” bà tâm sự.
Bà Tuyến luôn nuôi hy vọng lưu giữ lại nét đẹp truyền thống dân tộc qua những món đồ chơi bằng tre nứa. Ngoài việc làm đèn tại nhà, bà thường tham gia lớp học hướng dẫn các tình nguyện viên và các em nhỏ làm đồ chơi truyền thống mỗi dịp Trung Thu.
Được biết, năm nay bà Tuyến đã tham dự hoạt động Tết Trung Thu tại Bảo tàng Dân tộc học, gian hàng của bà đón tiếp hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày.
Tại không gian bích họa phố Phùng Hưng, từ ngày 7-10/9, các nghệ nhân, thợ thủ công từ các làng nghề lân cận Hà Nội sẽ trưng bày, trình diễn giới thiệu các sản phẩm đồ chơi truyền thống dịp Tết Trung Thu như: Đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy, tò he, phỗng đất, chuồn chuồn tre, đồ chơi Trí Uẩn…
Trong khi đó, tại Đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ), Ban tổ chức tiến hành trang trí không gian Tết Trung Thu, giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống.
Tại Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây, khách tham quan sẽ đặt chân vào không gian đón Tết Trung Thu tại một gia đình Hà Nội.
Ban tổ chức phối hợp với các nhà nghiên cứu trưng bày, giới thiệu mâm cỗ Trung Thu truyền thống và đèn Trung Thu cua, cá cổ truyền – sản phẩm do nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình khôi phục; giới thiệu bộ ảnh Trung Thu phố cổ đầu thế kỷ XX của Trung tâm Thông tin Khoa học Xã hội (Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)./.