Đồng Nai: Bảo tồn, gìn giữ vườn cao su cổ thụ 118 tuổi ở Nông trường An Lộc

Theo Nông trường Cao su An Lộc (Đồng Nai), sau quá trình phát triển và bảo tồn, đến thời điểm hiện tại, vườn cây còn 224 cây 118 tuổi đang phát triển tốt trong tổng số 1.000 cây được trồng thử nghiệm.

Những gốc cao su cổ thụ có đường kính từ 1-3 mét, cao hàng chục mét đang phát triển tốt tại Vườn cao su bảo tồn thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)
Những gốc cao su cổ thụ có đường kính từ 1-3 mét, cao hàng chục mét đang phát triển tốt tại Vườn cao su bảo tồn thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Với tuổi đời 118 năm, vườn cây cao su cổ thụ tại Nông trường Cao su An Lộc (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đóng trên địa bàn thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đã trở thành Di tích lịch sử cấp tỉnh và hiện đang được địa phương tích cực bảo tồn.

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, năm 1906, tại xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), người Pháp trồng thử nghiệm vườn cao su đầu tiên ở Việt Nam với khoảng 1.000 cây trên diện tích 8,2ha với tên gọi Đồn điền Suzanah.

Những công nhân cao su đầu tiên được chiêu mộ từ khu vực miền Bắc và miền Trung; chủ yếu ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở đây phù hợp, cây cao su phát triển tốt, cho năng suất mủ cao. Từ việc trồng thành công những cây cao su đầu tiên, những đồn điền cao su đã được trồng mới lên đến hàng ngàn ha ở khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Đến năm 1980, vườn cao su đầu tiên này chính thức ngừng khai thác mủ.

TTXVN_0304caosu2.jpg
Những gốc cao su cổ thụ có đường kính từ 1-3 mét, cao hàng chục mét đang phát triển tốt tại Vườn cao su bảo tồn thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Năm 1998, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tổng Công ty Cao su Đồng Nai quyết định làm vườn cao su bảo tồn, lập chốt bảo vệ và có chế độ theo dõi, chăm sóc riêng.

Vườn cây được giao cho Nông trường Cao su An Lộc thuộc Tổng Công ty quản lý, chăm sóc. Đến năm 2009, vườn cao su bảo tồn trở thành Di tích Lịch sử cấp tỉnh.

Bên trong khuôn viên vườn, nhiều cây có đường kính từ 1-3 m, cao hàng chục mét. Tuy nhiên do điều kiện bất lợi của thời tiết, tuổi thọ lâu nên nhiều cây đã bị mục, rỗng ruột, gãy đổ.

Ở giữa khu vườn, năm 2015, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai phục dựng nguyên mẫu ngôi nhà của công nhân cao su thời Pháp thuộc để khách tham quan, học sinh, sinh viên hiểu hơn về giá trị lịch sử truyền thống của ngành.

TTXVN_0304caosu3.jpg
Ngôi nhà nguyên mẫu nhà của công nhân cao su thời Pháp thuộc được bảo tồn tại Vườn Cao su bảo tồn 118 tuổi ở Đồng Nai. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Theo Nông trường Cao su An Lộc, sau quá trình phát triển và bảo tồn, đến thời điểm hiện tại, vườn cây còn 224 cây 118 tuổi đang phát triển tốt trong tổng số 1.000 cây được trồng thử nghiệm.

Để thuận lợi trong công tác bảo tồn, chăm sóc, đơn vị đã thực hiện đánh số thứ tự cho từng cây trong vườn.

Ông Đoàn Văn Dũng, công nhân cạo mủ cao su Nông trường Cao su An Lộc cho biết công việc chính hàng ngày của ông là cạo mủ cao su. Hai năm trở lại đây, ông được phân công thêm công việc chăm sóc vườn cây bảo tồn.

Hàng tháng, mỗi khi tới dịp chăm sóc vườn cây, ông được nông trường điều động về để cắt cỏ, tìm kiếm và phát hiện các loại bệnh trên cây cao su tại vườn.

“Những cây cao su trong vườn đều đã rất lớn tuổi. Nhiều cây bị mục rỗng trong thân nhưng cây vẫn có sức sống. Do đó, phải chăm sóc thật kỹ, chú ý phát hiện sớm những mầm bệnh trên cây để kịp thời điều trị, cứu chữa cho cây,” ông Đoàn Văn Dũng thông tin.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Tổ trưởng kỹ thuật Nông trường Cao su An Lộc cho biết, từ khi vườn cao su không thực hiện khai thác giá trị kinh tế, Tổng Công ty đã có chủ trương chăm sóc và bảo tồn vườn cây.

TTXVN_0304caosu4.jpg
Công nhân cao su Nông trường An Lộc thực hiện cắt cỏ, chăm sóc vườn cao su bảo tồn 118 tuổi ở Đồng Nai. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Hàng tháng, hàng quý, Nông trường thường xuyên thực hiện công tác bảo vệ, kiểm tra để tránh trường hợp có người cưa đổ hoặc trâu bò phá hoại. Đồng thời, đơn vị thường xuyên bố trí công nhân thực hiện việc cắt cỏ, dọn vệ sinh tạo không gian thoáng mát để thường xuyên đón các đoàn khách, học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu tới tham quan.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, cây cao su thường gặp bệnh nấm hồng xuất hiện vào mùa mưa. Bệnh này gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây. Khi phát hiện bệnh, người chăm sóc phải thực hiện phun xịt thuốc ngay vào những vị trí phát hiện bệnh để hạn chế lây lan và điều trị bệnh cho cây.

Do đó, vào mùa mưa, công nhân tập trung cao độ, thường xuyên thăm vườn, dọn dẹp vệ sinh hạn chế tình trạng cây mắc bệnh. Ngoài ra, cây cao su còn có nguy cơ mắc bệnh phấn trắng ở lá trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Bệnh này không gây nguy hiểm nhiều cho cây. Khi cây nhiễm bệnh sẽ bị rụng lá; sau đó sẽ mọc lại lá khác.

Ông Nguyễn Tuấn Quang cho biết thời gian tới, Nông trường và Tổng Công ty tiếp tục bảo tồn vườn cây bằng cách trực tiếp chăm sóc, tránh trường hợp người ngoài vào phá hoại vườn; thường xuyên kiểm tra, dọn dẹp vệ sinh, hạn chế nguy cơ cháy gây thiệt hại cho vườn cây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục